- Để giúp con trang bị sự tự tin, độc lập và niềm vui sống, nhiều ông bố bà mẹ thay vì dẫn con tới những khóa học kỹ năng sống, học tiếng Anh, học nghệ thuật… lại lựa chọn đưa con đi học làm bếp. 

Ở trong “Lớp Bé Đảm” – những đứa trẻ 4 – 10 tuổi sẽ được học những kỹ năng làm bếp đơn giản, và điều quan trọng là được học là những đứa trẻ bình thường, yêu lao động, biết sẻ chia – trước tiên là với cha mẹ, người thân trong gia đình.

“Dạy con là người bình thường”

Đó là suy nghĩ của bà mẹ trẻ Nguyễn Quỳnh Hương (Hà Nội) khi chị cùng người bạn khởi xướng ý tưởng mở lớp học nội trợ cho trẻ em mang tên “Bé Đảm”. Lớp học là nơi các bé từ 4 – 10 tuổi được học về thực phẩm, gia vị cơ bản cho các món ăn, đồ dùng nhà bếp, lên thực đơn, đi chợ (siêu thị), cách sơ chế thực phẩm, cách chế biến món đơn giản các bé có thể ăn, làm các món nước quả và sinh tố, bày bàn ăn, rửa bát... Thông qua các giờ học vui vẻ như chơi đồ hàng, các bé sẽ tập dượt kỹ năng nội trợ, có tình yêu với bếp núc và ham thích lao động.

{keywords}
Các thành viên lớp Bé Đảm học nhặt tôm.

Trẻ con bây giờ được học để trở thành nghệ sĩ với siêu nhân, để khẳng định tôi tài giỏi, năng động đủ loại… mà nhu cầu của mình chỉ cần con là người bình thường, yêu lao động, con là con gái thì nên quyến luyến bếp núc. Chợt nghĩ sao không mở một trường dạy những điều căn cốt, rất đỗi bình thường như thế, như ngày xưa bà dạy mẹ rồi mẹ dạy mình. Để khi đã là đàn bà, nhiều lúc chống chếnh và chán chường, thì thấy nơi an ủi yên lặng nhất, cho mình ấm áp và bình tĩnh lại - có khi chính là góc bếp. Phụ nữ phải biết vun quén và yêu việc nội trợ, mẹ dạy con gái điều này, luyện con thiết tha điều này - nó không chỉ nằm trong khái niệm "truyền thống" nào đó, mà giống như một quà tặng truyền đời” – chị Quỳnh Hương nói về ý tưởng mở lớp học đặc biệt này.

{keywords}
“Bé Đảm” tập rang tôm.
Con gái chị - bé Thóc năm nay hơn 4 tuổi, cũng là một học viên trong lớp. Nước mắt còn tèm nhem vì vừa cãi nhau với bạn đã líu ríu ôm bát ra ngồi chờ “chia phần” thức ăn do mình nấu, và lưỡng lự học “chia sẻ” thức ăn cho một người bạn lỡ đánh đổ hết thức ăn ra đất…

Chị Huyền – phụ huynh của ba bạn nhỏ trong lớp cho biết, các con đi học về đã biết tự rán trứng, rồi dõng dạc bảo mẹ “từ nay không phải nấu thức ăn cho con nữa”. Đến bữa, ba chị em ăn uống tự giác, và còn biết giúp mẹ nhiều việc vặt trong bếp.

“Có khúc cá là thành quả của buổi học đem về nhà ăn, bạn ấy ăn say sưa, gỡ cẩn thận từng cái xương. Đúng là cái gì phải vất vả làm ra mới quý, bình thường cá mẹ kho thì mẹ còn phải gỡ xương hộ mà bạn ấy còn không ăn” – chị kể.

Những cô bé, cậu bé, những đầu bếp nhí khác trong lớp bé đảm, ai cũng như ai, bé nào cũng vui, và thấy mình đầy trách nhiệm: Biết nấu nướng vất vả và vui ra sao, biết để dành món mình nấu ngon nhất tặng bố mẹ, biết khi ăn là phải ăn hết phần thức ăn của mình…

Nuôi dạy con – chơi cùng trẻ là tận hưởng

Bố mẹ hẳn ai cũng muốn con yêu lao động, biết phụ mẹ việc nhà, yêu bếp núc và khéo léo. Nhưng để có thể rèn cho bé những tính trên thực sự không đơn giản. Bởi yêu cầu đầu tiên là mẹ phải có thời gian, sau đó là phải rất kiên nhẫn...

{keywords}
Các bé giúp nhau nêm nếm gia vị.
Chị Ngọc, mẹ của một học viên 10 tuổi bảo, con ở nhà được bao bọc từ A đến Z. Bản thân vợ chồng chị bận rộn, hầu như không có thời gian để dạy con những việc như thế này: Cơm nước có người giúp việc lo, nhà cửa có người giúp việc dọn dẹp… Nếu con chị không được học nấu ăn, học lao động ở lớp học này, thì không biết, khi nào cháu mới được làm.

Quả thực, dồn tiền mua thật nhiều đồ chơi, thuê giáo viên, thuê lớp học “xịn” cho con thì dễ, nhưng thu xếp thời gian để kiên trì chơi cùng con, với nhiều bố mẹ hiện đại sao mà khó thế.

{keywords}
Lời dặn dò kỹ lưỡng dành cho cha mẹ của học viên Bé Đảm: “Kỹ năng làm bếp và việc yêu lao động cần được trau dồi hàng ngày chứ không chỉ là hành động đột nhiên của một ngày duy nhất. Bếp Bé Đảm rất mong các bố mẹ tạo điều kiện để con được làm việc nhà, việc bếp núc nội trợ cùng bố mẹ mỗi ngày".
Chẳng thế mà, phụ huynh của học viên Bé Đảm khi đến chờ đón con thường cảm động và thích thú chứng kiến “cục vàng” của mình mồ hôi bết bát ôm phần thức ăn được chia chạy ra khoe với bố mẹ, hay mắm môi mắm lợi ngồi xếp hàng rửa bát với mọi người. Rồi các con dần hình thành những thói quen tối thiểu như ăn xong biết dọn dẹp phần bát đũa của mình bỏ ra bồn rửa, cất ghế mình vừa ngồi… Ai cũng dần hiểu ra, con đang lớn lên từ những điều đơn giản ấy.

{keywords}
Các con rửa bát sau giờ học.
Chị Quỳnh Hương, một trong những người khởi xướng lớp Bé Đảm nhấn mạnh: “Kỹ năng làm bếp và việc yêu lao động cần được trau dồi hàng ngày chứ không chỉ là hành động đột nhiên của một ngày duy nhất. Bếp Bé Đảm rất mong các bố mẹ tạo điều kiện để con được làm việc nhà, việc bếp núc nội trợ cùng bố mẹ mỗi ngày" – đây là điều chúng tôi nhấn mạnh trong mỗi bài tập về nhà của các con. Chúng tôi muốn bố mẹ lưu ý và nhớ kỹ bởi nếu không, tác dụng của khoá học Bé Đảm sẽ chỉ dừng lại là mấy buổi vui chơi thôi. Mà chúng tôi kỳ vọng những sự thay đổi”.

Vì kỳ vọng ấy, những cổ đông kiêm giáo viên đứng lớp của “Bé Đảm” không đặt nặng lợi nhuận. Là những bà mẹ mê đắm chuyện bếp núc, có quan điểm rõ ràng trong việc nuôi dạy con, thấy việc vui chơi cùng trẻ là tận hưởng chứ không phải là nghĩa vụ, họ muốn giúp các ông bố, bà mẹ hiểu và cùng chia sẻ cùng nhiều bậc cha mẹ khác. Để những “Bé Đảm” có thể “đảm” ngay từ trong gia đình mình.

Nguyễn Quỳnh