Lễ hội Then Kin Pang năm 2022 đã được khai mạc tại huyện Phong Thổ (Lai Châu) với nhiều hoạt động như: Nghi lễ tại nhà Then, thi ẩm thực, các trò chơi dân gian phục vụ du khách.

Lễ hội Then Kin Pang là một trong những sự kiện quan trọng, điểm nhấn trong chuỗi hoạt động Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2022. Trong đó, nghi lễ cúng Then diễn ra tại nhà Then với sự tham gia đông đảo của các đoàn thể, cơ quan, người dân địa phương cũng như du khách tham quan.

Trong Lễ hội Then Kin Pang, nghi thức Lễ cúng Then thể hiện đời sống tâm linh của đồng bào Thái trắng ở khu vực Mường So, Khổng Lào, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu với đất trời. Theo truyền thuyết của người Thái trắng ở Lai Châu, vua trời đã phái các thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người trần để cứu nhân độ thế. Then cũng là người đại diện cho người dân giao tiếp với các vị thần linh cầu phúc cho dân, ban cho bản Mường một năm mưa thuận gió hoà, vạn vật bình yên.

Nghi thức cúng Then diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách và người dân.

Trong nghi lễ, các nghi thức cúng, dâng hương thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, các vị thần linh, từ đó bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, mong muốn bản làng no ấm, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ.

Phần thi ẩm thực là dịp để bà con 6 xã vùng đông bào dân tộc Thái Phong Thổ trổ tài nấu các món ăn đặc trưng như: thịt nướng, cá nướng, cá bống vùi tro, nhộng ong, xôi ngũ sắc… Du khách đến với ngày hội còn được tham gia các trò chơi dân gian: Bịt mắt gõ chiêng, én cáy, bịt mắt bắt vịt, đi cầu kiều, tung còn.

Chương trình văn nghệ chào mừng khai mạc Lễ hội Then Kin Pang.

Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết, Lễ hội Then Kin Pang là nét văn hoá đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo được ví như linh hồn của người Thái trong huyện. Qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, người Thái đã đúc kết được kho tàng văn hoá văn nghệ phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Lễ hội cũng nhằm góp phần vào công cuộc bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch của tỉnh.

Đây là dịp nhân dân các dân tộc cùng hội tụ giao lưu văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết, tình đoàn kết; tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh.

Qua các hoạt động tại Lễ hội cũng nhằm tuyên truyền và phát huy, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn các bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc Thái huyện Phong Thổ với đồng bào cả nước và quốc tế. Thúc đẩy phát triển du lịch huyện theo Nghị quyết số 03/NQ-HU ngày 20/01/2022 của Huyện ủy về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Bà Then và các Sao Chẩu vừa hát vừa diễn xướng tại Lễ cúng Then.

Trò chơi dân gian trong khuôn khổ lễ hội. 

 Ẩm thực bản địa với nhiều món ăn ngon, hấp dẫn do đồng bào dân tộc Thái trắng chế biến. 

Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội phát biểu tại lễ khai mạc. 
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc. 

Lai Châu có nhiều nét văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú, con người hiếu khách, cảnh đẹp nên thơ.

Hoạt động té nước tại suối Nậm Lùn, giúp mọi người gắn kết với nhau hơn. 

Bạch Liên