Việt Nam hiện đang trở thành quốc gia có mô hình tăng trưởng bền vững
Ngày 10/11, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc: Nghiên cứu và chia sẻ giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi-Trung Đông”.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Phước Minh, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho biết, gần đây, tình hình phức tạp, xung đột vũ trang ở một số nước châu Phi, Trung Đông đã làm dấy lên lo ngại cho cộng đồng quốc tế, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh toàn cầu về những nguy cơ bất ổn khu vực và thế giới.
Việt Nam hiện đang trở thành một quốc gia có mô hình tăng trưởng bền vững, phát triển nhanh trên thế giới. Mô hình kinh tế-chính trị của Việt Nam được nhiều quốc gia châu Phi và Trung Đông mong muốn được chia sẻ và học tập kinh nghiệm.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ tại các nước Trung Đông cho biết, khu vực châu Phi và Trung Đông rất quan trọng, có mối quan hệ hết sức đặc biệt với Việt Nam. Các nước châu Phi coi Việt Nam là tấm gương đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nhiều nước ở Trung Đông đã tích cực ủng hộ và giúp đỡ nhân dân ta trong cuộc kháng chiến cứu nước.
Hiện nay, Việt Nam có vị thế được đánh giá cao trên trường quốc tế, có mối quan hệ đa dạng hóa, đa phương hóa với các nước trên thế giới, với tình hình chính trị, kinh tế ổn định.
Để có được những kết quả đó, chúng ta càng thấm thía tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là "Chỉ có độc lập dân tộc thật sự mới có một nền hòa bình chân chính; chỉ có hòa bình chân chính, mới có độc lập dân tộc hoàn toàn".
Sự lựa chọn nhất quán và đúng đắn
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề như: Độc lập có vai trò, ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của đất nước; quan điểm của Đảng ta về Độc lập trong giai đoạn hiện nay; Độc lập - Tự chủ mà Việt Nam đề ra trong quan hệ quốc tế; con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta mưu cầu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho người dân Việt Nam có thể chia sẻ với các bạn bè năm châu, với châu Phi và Trung Đông như thế nào...
Qua đó đã khẳng định: Độc lập dân tộc là khát vọng mang tính phổ biến với toàn nhân loại. Với dân tộc Việt Nam, đó còn là một giá trị thiêng liêng, được bảo vệ và giữ gìn bởi máu xương, sức lực của biết bao thế hệ người Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, độc lập dân tộc phải là một nền độc lập thực sự triệt để và mang tính cách mạng sâu sắc. Đó là nền độc lập bao gồm đầy đủ chủ quyền quốc gia về chính trị, kinh tế, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ. Nền độc lập thực sự, hoàn toàn phải được thực hiện một cách triệt để theo nguyên tắc "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Người cũng chỉ rõ: "Nếu nước nhà được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì".
Di sản tư tưởng của Người đã được thấm nhuần trong đường lối lãnh đạo đất nước và chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đó là dân tộc Việt Nam luôn thể hiện ý chí độc lập tự do, khát vọng hòa bình, luôn tìm mọi cách để đẩy lùi chiến tranh, giữ gìn độc lập dân tộc.
Trong 92 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhờ xác định rõ nội dung và cụ thể hóa mục tiêu về Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn đó chỉ ra rằng, độc lập dân tộc là ngọn cờ, là sự lựa chọn nhất quán và đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta.