Thật khó nói một lệnh cấm nhập khẩu dầu lửa từ Iran do Mỹ đứng đầu, mới đây đã được Liên minh châu Âu thông qua, đang khiến các quan chức ở Tehran sợ hãi.



Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna (trái) và Bộ trưởng Tài chính và Các vấn đề Kinh tế Iran Seyed Shamseddin Hosseini ở New Delhi hôm 8/7/2010. (Ảnh: AP)

Hôm 26/1, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố rằng phương Tây sẽ mất nhiều hơn từ việc cắt đứt các mối quan hệ thương mại với nước ông, quốc gia vốn đang là điểm thu hút sự quan tâm quốc tế bởi vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Thực vậy, một số nhà phân tích dự đoán sản lượng của Iran thậm chí có thể tăng lên trong năm nay, được củng cố bởi các hợp đồng giảm giá mà họ có với các nước nhập khẩu đang khát năng lượng như Trung Quốc và Ấn Độ.

Đặc biệt, trường hợp của Ấn Độ đáng làm cho người Mỹ phải suy nghĩ. Các mối quan hệ của New Delhi với Washington đã phát triển rất chặt chẽ trong những năm gần đây, kết quả từ vị thế tăng cao của Ấn Độ trên trường quốc tế và khát vọng chiến lược của cả hai nền dân chủ hàng đầu thế giới nhằm có được một quan hệ mật thiết hơn - đặc biệt là khi Trung Quốc đang là bài toán địa chính trị hóc búa cho cả hai. Nhưng trong khi các nhà ngoại giao Mỹ thúc ép các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia vào lệnh cấm vận dầu lửa đối với Iran, họ lại không nhận được hưởng ứng từ các đối tác Ấn Độ.

Bộ trưởng Dầu lửa Ấn Độ S. Jaipal Reddy xác nhận rằng đất nước ông không có ý định ngừng nhập khẩu từ Iran. Ấn Độ mua khoảng 12% tổng số dầu thô nhập khẩu từ Iran, nhà xuất khẩu lớn thứ 2 của nước này sau Ảrập Xêút. Thêm nữa, khi các lệnh cấm vận quốc tế siết chặt các tập đoàn làm ăn với Iran, dường như người Ấn Độ, và có lẽ cả người Trung Quốc sẽ thăm dò khả năng trả Iran bằng vàng, đồng yên Nhật hoặc thậm chí một phần tiền tệ quốc gia của chính họ. Có thể gọi đây là một tình tiết nữa của thế giới thời hậu Mỹ: các cường quốc lớn trong khu vực đang cố gắng tách các quan hệ thương mại song phương ra khỏi đồng đôla Mỹ hoặc đồng Euro.

Các nhà chức trách Ấn Độ, trong đó có Bộ trưởng Reddy, khẳng định New Delhi sẽ tuân thủ các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc mà Hội đồng Bảo an phê chuẩn, chứ không phải các biện pháp khác được Mỹ và các nước phương Tây tự áp đặt. "Chúng tôi sẽ tuyệt đối tôn trọng các lệnh cấm vận mà Liên Hợp Quốc đưa ra. Không hơn, không kém", ông Reddy nhấn mạnh.

Richard Fontaine, một cố vấn cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), lo ngại rằng "thiệt hại phát sinh" từ nước cờ Iran của Washington "có thể là mối quan hệ Mỹ - Ấn". Ông này viết trên báo Diplomat:

Với vấn đề đang nóng lên ở Washington và nhiều thủ đô khác trên thế giới, và với các lệnh cấm vận mới của Mỹ sắp có hiệu lực, có nguy cơ về một thế bế tắc thực sự. Các thành viên của Quốc hội Mỹ có thể thất vọng nếu Ấn Độ đứng bên ngoài một nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm thúc ép Iran tại một điểm uốn quan trọng. Về phần mình, các thành viên của Quốc hội Ấn Độ sẽ không muốn bị thúc giục công khai là phải cứng rắn với Iran.

Trở lại những năm Chiến tranh Lạnh và đỉnh điểm của Phong trào Không liên kết, Ấn Độ đã bảo vệ đường lối tự quyết chính sách ngoại giao của mình. Các quan hệ ấm lên dưới thời chính quyền George W. Bush, và hai bên ký thỏa thuận năng lượng hạt nhân mang tính bước ngoặt, nhưng các chính trị gia Ấn Độ vẫn lạnh lùng trong giả định rằng đất nước họ đang bị kéo vào quỹ đạo của Mỹ.

Ấn Độ và Iran có quan hệ về văn hóa rất sâu sắc. Vài thế kỷ trước, các trung tâm chính của văn học và nền văn minh Ba Tư nằm ở nơi là Ấn độ ngày nay. Thời nay, Tehran và New Delhi đoàn kết vững chắc trong mối hận chung đối với Taliban ở Afghanistan. Một thập niên trước, họ đều ủng hộ Liên minh phương Bắc chống Taliban, phong trào đã giữ vị trí lãnh đạo ở Kabul tiếp sau cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan năm 2001.

Giờ đây, Ấn Độ đã giúp phát triển cảng Chabahar của Iran và đang xây dựng đường sá từ biên giới Iran vào miền trung Afghanistan. Đây là một nền tảng chiến lược làm gia tăng sự ảnh hưởng của Ấn Độ ở Afghanistan, điều mà các nhà chiến lược ở Washington có thể muốn duy trì sau khi Mỹ rút quân vào năm 2014 như dự kiến.

Thực vậy, các lợi ích của Ấn Độ ở Afghanistan có thể nhiều hơn khi phối hợp với Mỹ so với của Pakistan hoặc Trung Quốc. Thế nhưng, sự leo thang căng thẳng liên tiếp ở Vịnh Ba Tư có thể định lại một số tính toán địa chính trị, một khả năng không được chào đón ở một phần của thế giới vốn không muốn có thêm các bãi lầy nữa.

Thanh Hảo (Theo TIME)