7 năm về làm vợ anh Chiến là 7 năm cuộc đời chị Lê Thị Tuyền (Phù Ninh, Phú Thọ) đong đầy nước mắt tủi buồn.


Thường xuyên chịu những đòn đánh đập dã man, cố gắng đến mấy cũng không vừa ý chồng, bị chồng dằn hắt, xúc phạm nhất là khi đứa con sinh ra trót... không giống bố, chị Tuyền bảo, điều hối tiếc nhất của chị là đã đồng ý lấy người chồng này.

"Mày ngủ với thằng nào đẻ ra nó?"


Gương mặt mang nét phờ phạc của người lo phiền, nghĩ ngợi, dáng người nhỏ, gầy, quắt khô, chị Tuyền gượng cười khi có người thắc mắc, làm dâu nhà giàu sao trông chị như suy dinh dưỡng: "Tại tôi buồn quá, lúc nào cũng nặng đầu suy tư nên ăn không biết ngon, dù có cố gắng mấy thì người chỉ gầy đi, chẳng tăng được lạng nào". Rồi chị xoắn chặt hai bàn tay, kể chuyện đời mình, như thể vừa muốn kìm giữ lại, lại vừa cần một ai đó lắng nghe để vơi bớt nỗi buồn tủi chất ngất trong lòng.

Chị Tuyền: Thôi thì cứ đi khỏi nhà, mọi việc sẽ tính sau.

"Tôi lấy anh ấy không phải vì tình yêu. Lúc đó mẹ tôi ốm nặng, gia đình tôi xảy ra nhiều việc lớn không vui, cảnh nhà rơi vào khó khăn. Bố mẹ anh ấy đến đặt vấn đề với bố tôi, nói rõ anh sức khoẻ không tốt, cần có người vợ chăm sóc, còn kinh tế không phải lo. Tôi nghĩ đến bố, đến các em và qua mấy lần tiếp xúc thấy anh cũng hiền lành, tôi thương, cứ nghĩ dần dà vợ chồng ăn ở với nhau sẽ có tình có nghĩa nên gật đầu đồng ý. Không ngờ, từ khi lấy chồng, cuộc đời tôi bắt đầu những chuỗi ngày bi kịch", chị Tuyền thổn thức.

Chị Tuyền bảo, hôn nhân không tình yêu, không qua quá trình tìm hiểu nên mâu thuẫn nhiều. Nhưng tất cả đều bắt nguồn từ tính đa nghi của chồng chị. Không hiểu do mặc cảm thua thiệt về sức khoẻ hay vì điều gì, mà anh Chiến luôn sợ vợ "theo giai". Chị Tuyền bị cấm giao lưu, chuyện trò với bất cứ người đàn ông nào. Cấm luôn đi làm, chỉ được ở nhà làm vườn hay việc lặt vặt. Hôm nào chị có trót nói chuyện, dù là đàn ông bán hàng dừng ngang cổng nhà thì cũng "chết với chồng". Nhất là, khi đứa con ra đời, bão tố thực sự đổ lên đầu chị.

"Chẳng may cho tôi là chồng tính đã như vậy rồi, mà con trai sinh ra lại không giống bố, toàn mang nét của mẹ. Mỗi khi ai tới thăm nhận xét thế là anh cay cú, trút hận sang tôi. Anh căn vặn, suốt ngày lục vấn tôi: Mày ngủ với thằng nào đẻ ra nó", chị Tuyền nước mắt chan hòa. Chị kể, vì nỗi nghi ngờ bị vợ cắm sừng, mà anh đối xử với con như người xa lạ, không chăm nom, bế ẵm. Thậm chí còn coi con như kẻ thù, chỉ cần một ấm ức nhỏ là lôi ra đánh tàn bạo.

Tự giải thoát trước khi mất mạng

Đánh con không hả, anh Chiến lôi vợ ra hành hạ cho đáng cái tội "lăng loàn". Miệt thị, xúc phạm, bị chồng gọi bằng đủ các tên con vật... nhưng đối với chị Tuyền, điều đó vẫn còn là "êm ả" so với những trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng. "Có lần, anh ấy đánh tôi vào đầu, khiến tôi gần như ngất lịm, chảy bao nhiêu máu, khâu cả chục mũi, tôi phải trốn về nhà ngoại ở mất mấy hôm", chị Tuyền chảy nước mắt.

Giải pháp duy nhất của chị Tuyền mỗi khi bị chồng đánh đập, chỉ là trốn về ngoại. Để rồi mỗi khi trở về, chị lại tiếp tục bị những trận đòn nặng hơn. Cho tới một lần "anh ấy gí sát tôi vào buồng tắm, cầm dao bảo sẽ giết tôi, giết luôn các con. Nhìn mắt anh ấy, tôi biết anh ấy chẳng ngại gì không làm thật. May mà tôi vùng ra được, hô hoán bố mẹ chồng tới ứng cứu". Sau lần đó, mặc bố mẹ chồng, họ hàng có khuyên nhủ thế nào, chị Tuyền cũng không quay lại nhà chồng.

"Anh ấy là bố của các con tôi, tôi cũng từng rất thương, chăm sóc, nhịn nhục anh ấy đủ điều, nhưng anh ấy không biết nghĩ đến vợ. Bấy nhiêu năm tôi cố gắng sống, vun đắp để cho con có một gia đình. Nhưng giờ việc tới nước này, tôi phải tự giải thoát mình trước khi mất mạng. Phải xa con tôi đau đớn lắm, nhưng ở lại biết đâu chết cả mẹ lẫn con. Thôi thì cứ đi khỏi nhà đã, rồi mọi việc tính sau", chị Tuyền quệt dòng nước mắt chảy dài.

(Theo Kiến thức)