- Hiệu phó Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) cho rằng: “Mọi người sẽ phải hy sinh nhiều với lịch học mới”. Từ ngày 1/2, Hà Nội sẽ tiến hành đổi lịch học ở 12 quận huyện. Thế nhưng sát ngày thực hiện (30/1), nhiều phụ huynh và giáo viên vẫn ngạc nhiên với thay đổi sát sàn sạt này.



  Một tiết học của học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Văn Chung

Theo kế hoạch thực hiện, từ ngày 1/2 Hà Nội sẽ tiến hành đổi lịch học tập và làm việc với đối tượng áp dụng điều chỉnh là cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ giáo viên, học sinh các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT; các trường Trung cấp Chuyên nghiệp (TCCN) và CĐ trên địa bàn 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm.

Thời gian thay đổi cụ thể: Đối với cán bộ công chức công tác ở Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT thời gian bắt đầu làm việc buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ làm việc buổi chiều là 17h. Đối với cán bộ, giáo viên làm việc trong các trường học thì thời gian làm việc hàng ngày thực hiện theo giờ học tập của học sinh và phân công của lãnh đạo đơn vị.

Học sinh các trường Mầm non, Tiểu học, THCS: Thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8h và kết thúc lớp học chiều vào 17h. Các trường chủ động bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7h30 sáng và quản lý học sinh đến 17h30 hàng ngày.

Học sinh sinh viên các trường THPT, TCCN và CĐ: Thời gian bắt đầu học buổi sáng từ trước 7h hàng ngày; kết thúc giờ học buổi chiều sau 19h hàng ngày.

Loay hoay

Kế hoạch là vậy nhưng đến sát ngày thực hiện (30/1), khi được hỏi một số phụ huynh và giáo viên vẫn ngạc nhiên chưa thấy có thông báo.

Một giáo viên Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho biết, hiện chị vẫn chưa nhận được kế hoạch cụ thể của trường. Trong khi đó, Hiệu phó Trường THCS Đại Kim (quận Hoàng Mai) Phạm Thị Thanh Hà thông tin trường vẫn đang họp trên quận về kế hoạch cụ thể.

Một phụ huynh khác có con đang học tại Trường THCS Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) cũng cho hay, chị chưa nhận được thông báo của nhà trường về việc lịch học của con thay đổi.

Là trường thực hành của ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tất nhiên cũng nằm trong diện thay đổi lịch học.

Theo cô Thu Anh, Hiệu phó nhà trường: “Giờ học, sinh hoạt của trường phải theo ĐH Sư phạm Hà Nội để tránh những xáo trộn. Hiện trường chưa thay đổi theo lịch này....”.

Việc thay đổi theo lịch học mới như lời vị lãnh đạo nhà trường nói đùa: “Chẳng khác nào đẩy trường vào ma trận vì trường vừa phải làm theo Sở lại không thể làm ảnh hưởng đến ĐH Sư phạm Hà Nội”.

Một khó khăn được Hiệu phó nhà trường chia sẻ: “Do là trường thực hành của ĐH Sư phạm Hà Nội, học sinh không theo tuyến, nhiều em ở rất xa trường nên nếu điều chỉnh giờ học sớm và kết thúc muộn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuyện đi lại của cả cô, trò, phụ huynh”.

Nằm ở huyện ngoại thành nhưng như Hiệu trưởng Trường THPT Đại Mỗ Dương Đức Hải cho biết: “Trường cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Thứ nhất là các cháu và gia đình phải dậy sớm, mà thời tiết hiện nay rét mướt quá. Chiều các cháu lại về muộn. Ở đây, tầm 17h đã mịt mù, ít đèn điện. Cô trò đi lại đều không an toàn”.

Bất cập

Theo ông Dương Đức Hải: “Trường tôi đa phần là giáo viên còn trẻ, nhiều người có con nhỏ. Sẽ rất khó khăn cho các thầy cô khi phải thức dậy sớm đưa con tới trường rồi mới quay về dạy. Ai ở xa sẽ càng thêm khó”.

Hiệu phó Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) Bùi Thị Minh Nga không giấu được nỗi niềm khi được hỏi về những xáo trộn khi lịch học mới được áp dụng. Bà nói “19h học sinh cấp III mới tan trong khi đó các khối khác dưới tối đa là 17h30. Trường tôi có nhiều giáo viên có con học ở cả hai thời điểm này. Thậm chí chuyện cả vợ chồng đều dạy ở cùng trường không phải ít."

"Thêm nữa, chuyện thu xếp giờ đưa đón thật không đơn giản" - lời bà Nga. Việc con tan muộn không chỉ ảnh hưởng đến thời gian đưa đón của cha mẹ mà nếu để các cháu tự đi cũng rất lo vì trời tối, giao thông không thuận tiện.

Một số giáo viên phân trần, triển khai lịch mới thì khoảng 7h30 mới về đến nhà. Sau khi lo việc nhà xong thì hơn 21h mới có thể thảnh thơi rồi lại lao vào soạn bài giảng cho ngày hôm sau. Sáng sớm phải thức dậy từ 5h lo hết cho chồng con, gia đình mới mong kịp giờ dạy. Ngày nào cũng duy trì nhịp sinh hoạt như thế quả thật cam go”.

Nói thêm về công tác chuyên môn, theo bà Nga: "Nếu ca sáng kết thúc lúc 11h30, ca chiều bắt đầu từ 14h30 vậy thời gian gần 3 tiếng này giáo viên đi về hay ở lại trường đều không ổn. Riêng với trường Trần Phú, thứ tư hàng tuần trường thường cho học sinh vào sớm để dành thời gian sinh hoạt hội đồng. Nay lịch thay đổi, trường chưa biết sắp xếp như thế nào để có thời gian họp”.

Là huyện ngoại thành nên theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó phòng GD-ĐT huyện Từ Liêm các trường và phụ huynh sẽ ít gặp khó khăn với khu vực trung tâm của Hà Nội. Tuy nhiên, cũng để tạo điều kiện cho phụ huynh chúng tôi vẫn chỉ đạo các giáo viên thực hiện việc đến sớm đón học sinh từ 7h, thay vì từ 7h30. Giáo viên sẽ phải vất vả hơn một chút”.

Còn với Hiệu trưởng Trường THPT Đại Mỗ (huyện Từ Liêm): “Hà Nội nên tập trung vào một số khu vực trung tâm, giao thông khó khăn. Trường chúng tôi, có lẽ nên để thời gian cũ sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, quy định đã ban hành, sau một tháng trường mới được tập hợp ý kiến và gửi lên trên”.

Hiệu phó Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm cho rằng, “mọi người sẽ phải hy sinh rất nhiều vì lịch học mới này”.

  • Văn Chung