- “Sau một tuần thực hiện đổi giờ học giờ làm và kinh doanh, các điểm nóng ùn tắc trước đây đã có dấu hiện thông thoáng hơn, tuy nhiên lại xuất hiện một số điểm ùn tắc mới không theo quy luật thông thường tại một số tuyến phố…”.

Đó là nhận định của lực lượng CSGT Hà Nội trong cuộc họp sơ bộ báo cáo về kết quả 5 ngày thực hiện đổi giờ học, giờ làm diễn ra vào chiều 6/2, tại Sở GTVT Hà Nội.

Một số điểm cần điều chỉnh cho hợp lý


Ông Nguyễn Trung Nhật – Trưởng Phòng Quản lí công tác học sinh, sinh viên – Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD&ĐT) khẳng định, việc thực hiện phương án đổi giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông mà TP.Hà Nội đang tiến hành là một chủ trương đúng đắn và thiết thực.

Ông Nhật cho biết, khung giờ học như hiện nay sẽ gây ra nhiều vấn đề quan ngại về an ninh và lịch sinh hoạt của những học sinh phải học ở xa.

 

Sau 5 ngày thực hiện, công tác kiểm tra tại các điểm trường cho thấy, các trường đều thực hiện nghiêm chỉnh phương án đổi giờ mà UBND TP đề ra.

“Đã có một số trường có văn bản đề nghị với Sở xin được tự điều chỉnh, đề ra khung giờ riêng cho phù hợp với tình hình riêng, nhưng chúng tôi chưa cho phép”, ông Nhật nói.

Đánh giá về tác động của phương án đổi giờ đối với việc dạy và học, ông Nhật cho rằng: Có một số điểm chưa hợp lí cần được điều chỉnh. Một trong những điểm cần điều chỉnh là khoảng thời gian giữa ca học sáng và ca học chiều quá gần nhau, thời gian kết thúc ca học chiều quá muộn khiến cho việc dạy và học một số bộ môn trong trường phổ thông gặp khó khăn.

“Theo khung giờ quy định, ca học chiều sẽ kết thúc vào lúc 19g. Theo lịch học của các trường, sau khi kết thúc thời gian học văn hóa mới tiến hành học các môn khác như Giáo dục Thể chất, Giáo dục Quốc phòng... Nếu phải học các môn này trong điều kiện thời gian như thế là không đảm bảo”, ông Nhật nói.

Cũng theo ông Nhật, khung giờ học như hiện nay sẽ gây ra nhiều vấn đề quan ngại về an ninh và lịch sinh hoạt của những học sinh phải học ở xa. Đặc biệt là những học sinh thuộc nhóm đổi tượng phải học tại các “điểm tràn” (dành cho những học sinh phải học trái tuyến, tại các huyện ngoại thành).

Từ thực tế này, ông Nhật kiến nghị cần phải có sự điều chỉnh khung thời gian học, đặc biệt là vào ca chiều và ca tối.

Xuất hiện nhiều điểm ùn tắc mới

Đánh giá về tình hình an ninh trật tự và an toàn giao thông sau 5 ngày thực hiệc việc đổi giờ, đại diện Phòng CSGT Hà Nội và đại diện một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đều chung một nhận định: Tình hình ùn tắc giao thông đã có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào đó mà cho rằng nguyên nhân giảm ùn tắc là do đổi giờ là chưa có cơ sở.



Theo Thứ trưởng BGTVT Lê Mạnh Hùng, ùn tắc chỉ xảy ra vào buổi chiều nhưng đã đỡ hơn trước.

 

Ông Phạm Ngọc Kim, đại diện CA huyện Từ Liêm cho rằng, hiện tại số người lao động tự do trên địa bàn huyện vẫn chưa tập trung đầy đủ nên tình hình giao thông tại các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn huyện trong thời gian sau tết vẫn được đảm bảo. Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng chưa xảy ra.

Đại diện CA quận Hoàn Kiếm cũng nhận định, các tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn quận sau 5 ngày thực hiện việc đổi giờ đã thông thoáng hơn. Một số nút giao thông trọng điểm đã không còn ùn tắc nghiêm trọng như trước. Đây cũng là nhận định của đại diện CA quận Đống Đa, quận Ba Đinh.
 
Đại diện Phòng CSGT Hà Nội đưa ra thông tin: Các điểm nóng ùn tắc trước đây đã có dấu hiện thông thoáng hơn, tuy nhiên lại xuất hiện một số điểm ùn tắc mới không theo quy luật thông  thường như tại các tuyến phố: Lý Thái Tổ, Phan Đình Phùng, Thụy Khuê...

Nguyên nhân của các điểm ùn tắc mới này là do phụ huynh học sinh đưa và đón con tại các trường tập trung quá đông.

Phòng CSGT Hà Nội đề nghị cần bố trí các điểm riêng để phụ huynh học sinh đưa đón con em nhằm tránh tình trạng tập trung quá đông tại cổng trường, gây ùn tắc.

Đánh giá  sau một tuần đổi giờ học, giờ làm và kinh doanh, chiều tố ngày 6/2, trả lời báo giới, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết:  Sau một tuần thực hiện, tình trạng ùn tắc vào buổi sáng không có mà chỉ có ùn ứ. Còn buổi chiều ùn tắc có xảy ra nhưng đã đỡ hơn trước.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, đây mới chỉ là kết quả bước đầu và mới chỉ sau một tuần thực hiện nên chưa thể đánh giá tổng kết cụ thể được, khi nào sinh viên lên đủ thì mới có thể báo cáo chi tiết hơn.

Liên quan đến tác động của việc đổi giờ làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, ông Hùng cũng cho biết, Bộ GTVTđã giao cho Vụ vận tải vào thứ 6 tuần này sẽ làm việc với Hà Nội để bàn thêm về việc đổi giờ làm, giờ học cùng những tác động tới cuộc sống từ phương án đổi giờ.

Gia Văn