(VEF.VN) - Ngay sau khi những nét chính trong chiến lược mới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được công bố, đã có nhiều ý kiến chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ cách tiếp cận khá mới đối với nguồn vốn này.

7 nguy cơ báo động về chất lượng FDI

Phát biểu tại một hội thảo chuyên đề do Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội tổ chức mới đây, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nói đã đến lúc Việt Nam cần có sự lựa chọn kỹ càng hơn, nhằm tăng chất lượng và tính bền vững của dòng vốn FDI.

"Công bằng mà nói, vấn đề chất lượng dự án, chất lượng dòng vốn FDI đã được đặt ra ngay từ thời điểm bắt đầu mở cửa thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, do đặc thù thiếu vốn đầu tư cho các ngành nghề, lĩnh vực, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào mọi lĩnh vực với mọi quy mô", ông Hoàng nói.

Một báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây cũng chỉ ra rằng cần thực hiện ngay một số giải pháp cơ bản hơn để nâng cao chất lượng FDI như thay đổi tư duy, quan niệm và có quan điểm mới về thu hút và sử dụng FDI.

Theo các chuyên gia của CIEM, Việt Nam cần gắn chiến lược thu hút với giám sát quá trình thực thi, hoạt động; đề ra các chính sách phù hợp để loại bỏ các dự án không mong muốn và khuyến khích các dự án cần thiết, chú trọng đến chất lượng, đề cao trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư; có các chính sách khuyến khích FDI tạo nhiều việc làm, đầu tư vào các vùng nông thôn xa thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn...

Trong chiến lược thu hút FDI sắp tới, vấn đề của Việt Nam là tạo thể chế tốt nhất để đón nhận các cơ hội lớn và thách thức lớn từ bên ngoài (ảnh WSJ).
 

Theo ông Trần Kim Chung, một chuyên gia của CIEM, bên cạnh những thành công nêu trên, hoạt động thu hút FDI trong thời gian qua vẫn tồn tại một số vấn đề quan trọng.

Theo phân tích của ông Chung, xem xét các yếu tố của chất lượng đầu tư, có thể thấy đầu tư nước ngoài vào nước ta trong thời gian gần đây chứa đựng một số rủi ro rất đáng lưu tâm. Đó là: (i) nguy cơ "thổi phồng" về vốn và lợi nhuận; (ii) nguy cơ yêu cầu quá lớn về nguồn cung cấp năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, đất đai; (iii) nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; (iv) nguy cơ không phù hợp với quy hoạch phát triển gây mất cân đối về cơ cấu trong quá trình phát triển lâu dài của đất nước; (v) nguy cơ sử dụng công nghệ lạc lậu; (vi) nguy cơ "rút vốn" của khu vực kinh tế tư nhân trong nước; và (vii) nguy cơ gây thiếu hụt ngoại tệ và rủi ro tỷ giá trong tương lai.

Trong khi đó, theo ông Trần Du Lịch, sau hơn 20 năm thực hiện chính sách thu hút FDI, không thể phủ nhận những tác động tích cực của dòng vốn này mang lại cho nền kinh tế đất nước.

"Nếu xét trên bình diện quốc gia và lợi ích quốc gia, FDI luôn luôn là "nợ quốc gia", chứ không đơn giản là tiền của nước ngoài đầu tư, mình không mất gì, như nhiều người đã quan niệm", ông Lịch phân tích. "Do đó, cần phải đánh giá 'cái giá' phải trả cho việc thu hút dòng vốn này, mà mục tiêu quan trọng nhất là những lợi ích trực tiếp và lợi ích lan tỏa do doanh nghiệp FDI mang lại cho nền kinh tế".

Mở cửa thị trường trong nước cho FDI thường được lý giải là hy sinh thị trường để đổi lấy công nghệ, và khi đã có công nghệ thì sẽ lấy lại thị trường. Theo ông Lịch, triết lý trên là đúng. Tuy nhiên, cần đánh giá thực trạng hơn 20 năm thu hút FDI để đối chiếu với triết lý trên.

"Tôi e rằng chúng ta không được công nghệ, mà đã mất thị trường. Tình trạng chuyển giá để trốn thuế trong các doanh nghiệp FDI ngày càng tinh vi và nghiêm trọng. Điều này chúng ta biết đã lâu nhưng không có biện pháp hạn chế", ông nhấn mạnh.

Thay vì ưu đãi, hãy cải thiện môi trường đầu tư

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, trong chiến lược thu hút FDI trong giai đoạn tới, cần có cách nhìn, cách tư duy mới để có những giải pháp hài hòa giữa yếu tố thúc đẩy tăng trưởng với xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, chất lượng và phát triển bền vững".

Cùng quan điểm này, ông Trần Kim Chung đã nêu ra 6 vấn đề cần được xử lý trong lĩnh vực FDI trong thời gian tới.

Thứ nhất, đến nay vẫn có một số địa phương còn ham số lượng dự án, số lượng vốn cam kết, ham chấp nhận các dự án FDI có cam kết lớn, dù chưa chuẩn bị kỹ, cũng chưa làm rõ đầy đủ tính khả thi.

Thứ hai, xét trên tổng thể nền kinh tế đóng góp trực tiếp của FDI và xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế được xác thực. Nói cách khác, sức hút của nền kinh tế Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài dường như vẫn dựa vào những lợi thế tĩnh cách đây hơn 20 năm: lao động và tài nguyên rẻ; trong khi chưa tạo ra được lợi thế động như năng suất lao động, trình độ công nghệ.

Thứ ba, mối quan hệ tương hỗ giữa FDI với xuất khẩu là không có bằng chứng. Thêm vào đó, trừ dầu thô, các doanh nghiệp FDI cũng là những doanh nghiệp nhập siêu. Cho đến nay FDI vẫn đóng góp vào cải thiện cán cân thanh toán nhưng chủ yếu thông qua tài khoản vốn. Sự kỳ vọng vào FDI sẽ cải thiện cán cân thương mại cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực mà ngược lại.

Thứ tư, xét trên góc độ doanh nghiệp thì các doanh nghiệp FDI có năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh thấp. Trên 50% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ liên tục nhưng xét chung thì hệ số sử dụng vốn của khu vực FDI lại khá cao. Điều này cho thấy thua lỗ phần lớn xảy ra tại các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, và lãi khá ở các ngành dầu khí và ôtô.

Cần lưu ý rằng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thường là các doanh nghiệp "lỏng chân" họ dễ dàng dịch chuyển đầu tư sang nước khác khi các ưu đãi không còn. Những doanh nghiệp này cũng có nhiều khả năng thực hiện các thủ thuật chuyển giá để tránh thuế thu nhập.

Thứ năm, các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam chủ yếu do các công ty con thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của các công ty đa quốc gia. Cho đến nay chỉ có 4 công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Điều này hạn chế cơ hội tiếp cận công nghệ cho các công ty Việt Nam. Mặt khác nó cũng tăng nguy cơ các hoạt động chuyển giá giữa công ty con tại Việt Nam và công ty mẹ đặt tại nước ngoài.

Thứ sáu, những chính sách ưu đãi đầu tư vào các ngành và vùng trọng điểm đã chứng tỏ không có hiệu lực. Các ngành thu hút đầu tư chính vẫn là những ngành sử dụng nhiều lao động và tài nguyên. Những ưu đãi cho các ngành công nghệ cao, nông lâm ngư nghiệp, dường như không đủ thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực này.

Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng trong chiến lược thu hút FDI sắp tới, vấn đề của Việt Nam là tạo thể chế tốt nhất để đón nhận các cơ hội lớn và thách thức lớn từ bên ngoài.

Chẳng hạn, một vấn đề quan trọng trong chiến lược FDI là thay vì đưa ra các ưu đãi, chúng ta phải tập trung giải quyết các vấn đề của môi trường đầu tư hiện nay, trong đó tập trung chuẩn bị các điều kiện cơ bản như hạ tầng, nguồn nhân lực, đội ngũ doanh nghiệp... Đội ngũ doanh nghiệp của Việt Nam đã sẵn sàng để "lan tỏa" từ hiệu ứng FDI hay chưa cũng là vấn đề quan trọng.

Hiện nay, theo ông Thiên, cần tiến hành rà soát, đánh giá lại môi trường thể chế của các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất trên toàn quốc. Hiện đã có 15 khu kinh tế và hơn 200 khu công nghiệp, thay đổi căn bản được  khu vực này thì nền kinh tế sẽ có sự xoay chuyển lớn.

"Hiện nay các khu kinh tế trong thực tế trình độ thể chế vẫn thấp, vẫn chú trọng đến các ưu đãi. Trong tương lai, đẳng cấp thể chế sẽ quyết định hiệu quả thu hút đầu tư chứ không phải chỉ là các ưu đãi. Các khu kinh tế của Trung Quốc và một số nước trong khu vực hiện nay đã đạt đẳng cấp  khá cao, phải thấy là mình đang phải cạnh tranh trong bối cảnh như thế. Nếu "gỡ" được về thể chế cho các khu này, việc thu hút FDI sẽ thuận lợi hơn", ông Thiên nói.

Thu Hà