Được tách ra từ xã Trúc Sơn theo Nghị định số 49/2001/NĐ-CP ngày 15/8/2001 của Chính phủ. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, xã Cư K’Nia, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên 3.216 ha, dân số 1.959 hộ, với 9.132 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%.
Có thể nói, những ngày đầu khi mới thành lập, điều kiện kinh tế xã hội của xã Cư K’Nia gặp nhiều khó khăn, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm trên 95%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 40%. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, lựa chọn cán bộ có kinh nghiệp để làm việc được ngay, vừa chọn cán bộ trẻ kế thừa cho 5 đến 10 năm sau. Đồng thời quyết định nhiệm vụ trước mắt, nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ năm 2002; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho các năm tiếp theo. Nhiều chủ trương lớn được triển khai như chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng; tập trung làm đường giao thông; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội… Đây chính là khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của một xã vừa mới thành lập.
Đặc biệt là từ khi có Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS như tiếp thêm luồng gió mới thổi vào đời sống của người dân địa phương. Cùng với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Chương trình mục tiêu Quốc gia xoá đói giảm nghèo, đời sống của người đồng bào DTTS ở xã Cư Knia không ngừng cải thiện.
Với chủ trương chăm lo tốt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều chương trình, chính sách được xã Cư K’Nia chú trọng thực hiện. Cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm sâu sát, nắm được tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của người dân, và có cách làm phù hợp với điều kiện thực tế, nâng cao đời sống đồng theo hướng toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, tích cực tham gia sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và phát triển kinh tế.
Với sự cần cù, chịu khó, người dân Cư K’Nia đã phát huy các tiềm năng và lợi thế sẵn có, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhân dân chung sức- đồng lòng. Nhờ vậy sau 20 năm, Cư K’Nia có bước chuyển mình mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng được đầu tư kiên cố, đồng bộ. 84% đường giao thông liên thôn ở xã Cư K’Nia đã được nhựa hoá và bê tông hóa, 47% đường ngõ xóm được bê tông hóa; 74% đường nội đồng được bê thông hóa đảm bảo thông suốt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và giao lưu hàng hoá. 12/12 thôn đã có điện với 98% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt, trên 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số thôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng , 10/12 thôn đã thực hiện thu gom rác thải,…
Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Cơ cấu kinh tế của xã Cư KNia chuyển dịch theo hướng tích cực; Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã hàng năm đạt gần 13,5%. Đến nay toàn xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống còn 2,56%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 41 triệu đồng/năm, tăng gấp 10 lần so với năm 2010. Hiện toàn xã 3/4 trường đã đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn đạt thôn văn hóa, 89% số hộ đạt gia đình văn hóa, địa phương 5 năm liền đạt xã văn hoá.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính quyền xã Cư Knia tập trung rà soát những vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào dân tộc; đồng thời, lấy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân làm mục tiêu hàng đầu để thực hiện... Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương đã triển khai Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ 6 nhà ở trị giá 264 triệu đồng, 21 hộ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nông cụ sản xuất trị giá 210 triệu đồng. Nhờ đó đời sống đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều cải thiện.
Thời gian tới, xã Cư Knia tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, tầm quan trọng, sự cần thiết phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, tiểu dự án góp phần giúp người dân được thụ hưởng các chính sách của Đảng, nhà nước để ổn định cuộc sống.