Tỉnh Sóc Trăng - nơi có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer và có 29 xã, 158 ấp nằm trong danh sách Chương trình 135, nhiều xã đã được công nhận xã nông thôn mới. Điển hình là xã An Hiệp, huyện Châu Thành - nơi có trên 65 % dân số là đồng bào Khmer.
Xã An Hiệp thời gian qua đã tập trung hỗ trợ hộ Khmer nghèo phát triển kinh tế. Phương châm của xã là hộ nghèo phải được hỗ trợ nhà ở, vốn vay làm ăn, cây con giống và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để đảm bảo thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, Đảng ủy xã còn chỉ đạo, mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện giám sát, hướng dẫn bà con Khmer nghèo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, chọn mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế để có thu nhập ổn định. Song song đó, An Hiệp tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”…
Các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao phủ khá toàn diện các địa bàn, các dân tộc, nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, đời sống của đồng bào Khmer miền Tây Nam bộ đã và đang sung túc hơn.
An Giang là tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có núi và có đường biên giới dài gần 100km, giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia). Đồng bào Khmer ở An Giang chiếm khoảng 4,2% dân số cả tỉnh, sống tập trung chủ yếu ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, cho biết: Đồng bào DTTS, nhất là hộ nghèo, phần nhiều tập trung tại các vùng nông thôn, vùng núi, biên giới. Vì thế, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đối với An Giang cũng là đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Với quan điểm này, những năm qua, An Giang tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi đáp ứng sản xuất…
“Đến nay, khu vực nông thôn tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống đã có những chuyển biến rõ nét: tất cả xã có đường ô tô đến trung tâm xã, ấp; có trạm y tế, công trình thủy lợi, bưu điện văn hóa, lưới điện quốc gia hoặc điện nông thôn… Phần lớn những con đường lầy lội trong phum, sóc đã được bê tông, nhựa hóa, góp phần tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm, cải thiện đời sống, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới”- ông Pholly chia sẻ. Còn ông Chau Xiêm ở ấp Măng Rò, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, bộc bạch: “Bây giờ, ở vùng quê này, nhà tường thay nhà lá rất nhiều. Tôi là người có uy tín trong đồng bào Khmer, tôi thấy, chính quyền lo cho đồng bào thì đồng bào mình phải lo làm ăn, cùng chính quyền xây dựng nông thôn ngày càng khang trang hơn”.
Kiên Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer đứng thứ 3 ở ĐBSCL (sau Sóc Trăng và Trà Vinh) và có hơn 56km biên giới bộ giáp với Campuchia. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, cho biết: Các chương trình quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 và các chương trình dự án khác đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng cầu, đường giao thông, trạm y tế, trường học… Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung nguồn lực để thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS của Kiên Giang giảm bình quân 3%/năm.
Định Hòa, huyện Gò Quao, là xã có đông đồng bào Khmer, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Kể từ khi Định Hòa được chọn là một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện, cơ sở hạ tầng của xã ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, gần 100% đường liên ấp trong xã được cứng hóa. Xã không còn nhà xiêu vẹo; trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Không chỉ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số chính quyền các địa phương ở miền Tây Nam bộ còn tập trung lo sinh kế, lo an cư cho đồng bào. Tất cả nhằm giúp đồng bào dân tộc Khmer vượt khó, thoát nghèo bền vững, cùng cộng đồng các dân tộc khác đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Nguyễn Thảo, Linh Trang, Thu Hà, Như Sỹ, Phùng Thuỷ