Chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (24-26/9) và các hoạt động chính thức, bên lề phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ (26-27/9) tại New York (Mỹ) của Thủ tướng có thể được coi là sự kiện đối ngoại nổi bật của 2013.


Đối tác chiến lược thứ 12

Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault ký tại Paris hôm 25/9 đánh dấu bước ngoặt, nâng cấp mối quan hệ Việt - Pháp lên một tầm cao mới.

Khuôn khổ mới, tầm vóc lớn hơn của mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Pháp có điểm rơi thời gian lý tưởng: tròn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Dù từng có kỳ vọng về mốc điểm rơi nâng cấp mối quan hệ này sớm hơn, nhưng kết quả này có thể xem là một bước tiến hoàn toàn thực chất, lý tưởng xét trên bề dày của tiến trình lịch sử đặc biệt của quan hệ Việt - Pháp.

Tuyên bố chung đề cập những định hướng, mục tiêu cụ thể trên các trụ cột hợp tác về chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, luật pháp và tư pháp.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu tại Viện quan hệ quốc tế Pháp đã khẳng định "con tàu" quan hệ Việt - Pháp đã cập bến bờ của tình hữu nghị và hợp tác thành công với việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược.

“Mối quan hệ Việt - Pháp đã trở thành một biểu tượng của tinh thần dũng cảm “khép lại và vượt qua những “chòng chành”, những trang sử đau buồn của quá khứ để xây dựng lòng tin vào nhau - lòng tin chiến lược - cùng hướng tới hòa giải, hòa bình, hữu nghị và phát triển" - ông nhấn mạnh.

Pháp trở thành đối tác chiến lược thứ 12 của Việt Nam, là nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối cùng cam kết với Việt Nam về một khuôn khổ quan hệ vượt trên mức “hữu nghị” thông thường, để tiến tới xây dựng lòng tin chiến lược và hợp tác toàn diện.

Dấu ấn New York

Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam đã bày tỏ kỳ vọng về việc lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68 (27/9) tại New York (Mỹ).

“Khi Thủ tướng Việt Nam phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, tôi hy vọng ông sẽ truyền cảm hứng cho các vị lãnh đạo khác khi chia sẻ với họ kinh nghiệm của Việt Nam làm thế nào để giảm được một phần ba người nghèo trong chưa đầy 10 năm” - bà cho hay.

{keywords}
Thủ tướng phát biểu tại phiên thảo luận chung Đại hội đồng LHQ. Ảnh: TTXVN



Bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam không chỉ dừng ở thông điệp về thành tựu cũng như những nỗ lực tiếp theo về xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, các quốc gia đang phát triển cần trợ giúp từ những nước giàu có trách nhiệm.

Thông điệp bao trùm Thủ tướng chia sẻ trước toàn thể cộng đồng quốc tế, đó là về hòa bình và những sứ mệnh chung của các quốc gia nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Điểm nhấn lớn nhất, đó là việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam lần đầu tiên tuyên bố trước toàn thế giới về việc Việt Nam sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Điều này đánh dấu một bước tiến hội nhập chính trị quốc tế của Việt Nam khi không chỉ dừng ở đóng góp tiếng nói trách nhiệm, tài chính mà cả các hoạt động cụ thể đối với các hoạt động chung của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh.

Đối với một quốc gia có xuất phát điểm từng bị chìm đắm trong chiến tranh như Việt Nam, quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ là việc không đơn giản.

Thoát khỏi chiến tranh, Việt Nam vẫn còn quá nhiều mục tiêu, con đường xây dựng đất nước mới chỉ bắt đầu. Nhưng như bài phát biểu của Thủ tướng đã nêu rõ tinh thần “lá lành đùm lá rách’, quyết định tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng quốc tế thể hiện vai trò một thành viên trách nhiệm trong LHQ của Việt Nam.

Kỳ vọng cất cánh quan hệ kinh tế


Một ngày trước khi đến New York, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Washington DC - hoạt động song phương bên lề duy nhất dành để trao đổi, làm việc các nội dung liên quan quan hệ Việt Nam và Mỹ, với hai đối tác viện trợ lớn hàng đầu của Việt Nam là WB và IMF.

Cũng chỉ có một ngày duy nhất, song là ngày làm việc kín đặc các cuộc gặp gỡ, trao đổi, khía cạnh tập trung lớn nhất của Thủ tướng là thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại. Ông đã có các cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Thương mại, Đại diện Thương mại Mỹ, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ…

Một tinh thần cởi mở trong tất cả các cuộc gặp giữa Thủ tướng và các đối tác phía Mỹ. Hai bên đều cùng nhận thức rõ những cơ hội chiến lược có thể dành cho nhau. Không phải là những cam kết suông, Việt - Mỹ giờ đây có nhiều cơ chế ràng buộc lợi ích mà kỳ vọng lớn nhất trước mắt là Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Việt Nam không còn ở thế ít điều kiện để mặc cả như thời kỳ đầu mà giờ đây trở thành đối tác kinh tế, thương mại bình đẳng. Có thể thấy rõ trong những thông điệp thẳng thắn mà Thủ tướng đề nghị phía Mỹ như chấm dứt điều tra 12 vụ tranh chấp thương mại với Việt Nam, trong đó có 4 vụ điều tra cả trợ cấp và chống bán phá giá, nhất là đối với tôm và cá tra. Hay những lo ngại về luật Nông trại năm 2013 của Mỹ đòi giám sát từ nuôi trồng cho tới chế biến cá tra của Việt Nam…

Với những dấu ấn và kết quả quan trọng, chuyến đi của Thủ tướng có thể được coi là sự kiện đối ngoại nổi bật hàng đầu năm 2013.

Linh Thư