- Gần 30 năm bám biển, xông pha khắp các ngư trường trong vùng biển, đảo của đất nước, ngư dân Phạm Gia Đông đã đóng được hai con tàu “khủng” 1.000CV ngang hàng với tàu cá nước bạn.

Đôi tàu cá “khủng”

Chúng tôi đã tới phường Quảng Tiến, Thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa để gặp anh Phạm Gia Đông. Được mục sở thị, thấy 2 con tàu của ông Đông rất đồ sộ. 

Anh Đông bảo: “Trước đây chỉ được “cỡi” con tàu công suất nhỏ 350-500CV, cảm giác ra khơi luôn bị tàu Trung Quốc uy hiếp. Giờ "cỡi" con tàu “khủng” này thì chẳng còn sợ gì nữa”.

Hiện đôi tàu của Đông đang giữ kỷ lục về mẫu mã, kích cỡ và cả độ sang thuộc loại lớn nhất khu vực Bắc trung bộ.

{keywords}

Phạm Gia Đông , chủ của 2 con tàu 'khủng'

Bắc thang dẫn chúng tôi lên thăm quan boong tàu, anh Đông đọc vanh vách các thông số của 2 con tàu này: “Chiều dài 28 m, rộng 6,5m, cao 7,5 m, có hai bộ đàm, máy quay cammera, máy định vị cá với loại hiện đại như quét ngang, quét dọc, trang bị 2 máy 500CV nhập từ Mỹ, có thể đạt đến vận tốc 13 hải lý /giờ, chịu được sóng cấp 8-9. Nghĩa là có thể đánh bắt được cả trong thời tiết biển động”.

Để đóng được đôi tàu lớn này, anh Đông đã phải vay ngân hàng hơn 1 tỉ đồng. Còn lại là tiền anh tích cóp và vay mượn của anh em họ hàng. Khi khởi công đóng con tàu này nhiều người khen, cũng không ít người nói Đông là “khùng”.

Hỏi về mẫu tàu, anh Đông trả lời: “Nhiều lần đi khơi tiếp xúc được với tàu cá nước ngoài, tui lén chụp ảnh lại và từ đó ao ước có một con tàu như vậy”.

{keywords}

Nói xong, anh rút trong túi quần chiếc điện thoại, mở ảnh tàu nước ngoài mà anh đã chụp được ra khoe. 

“Nhìn thế này thôi nhưng tàu cá của mình cũng to lắm đấy! Nếu ra khơi không sợ nữa!” - Đông nói.

Có tàu lớn là giữ được ngư trường

Đông kể, trước kia, với đôi tàu nhỏ, anh luôn bị tàu nước ngoài chèn ép về luồng cá. Đặc biệt, tàu cá Trung Quốc hơn hẳn tàu cá Việt Nam về công suất, hệ thống đàm, máy dò cá… do vậy ngư dân mình thường bị xua đuổi và chiếm bãi.

Đông khẳng định lại, giờ đây đã có tàu to, tha hồ ra biển, không sợ gió, sợ bão. Nhất là không sợ tàu nước ngoài đe doạ, tranh chấp ngư trường.

“Giữ ngư trường cũng là cách thiết thực để giữ biển, khẳng định chủ quyền đấy. Hơn nữa, góp phần tạo công ăn việc làm cho con em địa phương để phát huy truyền thống bám biển”, Đông nói.

{keywords}

2 đôi tàu sắp ra khơi

Trong những câu chuyện về việc đi biển, anh Đông vẫn khẳng định Vịnh Bắc Bộ đúng là một kho cá của nước ta. Tuy nhiên, một số tàu cá của ngư dân Trung Quốc cậy có công suất lớn vẫn lén lút vào ngư trường nước ta để đánh bắt.

Có những lần, đích thân anh Đông đã tập trung ngư dân mình đang hành nghề ngoài khơi lại. Cả trăm chiếc tàu, không kể tàu tỉnh nào, dàn hàng ngang không cho tàu Trung Quốc xâm phạm, quấy nhiễu việc đánh bắt. Họ thấy mình đông, đoàn kết nên cũng quay đầu trở ra.

“Đối với ngư dân nước mình thì 2 con tàu của tôi có thể thuộc loại lớn, nhưng nó chỉ là hạng trung so với tàu cá của ngư dân Trung Quốc. Nhưng dù sao tôi cũng có thể tiếp tục tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương. Hơn nữa tàu tôi cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ khi đất nước cần" - chủ đôi tàu lớn nói.

Đông cho biết, làm nghề lâu nên anh hiểu, ngư dân mình “máu” tàu lớn lắm! Nhiều người muốn vay tiền để sắm, nhưng kẹt nỗi lãi suất ngân hàng vẫn cao quá.

Và theo anh Đông, hiện nay ngư dân Quảng Tiến đang giữ kỷ lục về tàu cá có công suất lớn. Trung bình tàu cá của ngư dân Quảng Tiến đều có công suất từ 350-500CV.

Mặc dù so với nước bạn, tàu cá của ta vẫn còn quá nhỏ, song những con tàu có công suất lớn này cũng có thể ra khơi giã cào hàng trăm hải lý để đánh bắt thuỷ hải sản, vừa thể hiện chủ quyền Việt Nam.

Lê Anh