Hành trình nhiều nỗ lực từ cả hai phía 

Những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác về năng lượng giữa Đức và Việt Nam đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, tập trung vào các hoạt động chính: hỗ trợ xây dựng chính sách, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực. 

Năm 2022 chứng kiến nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa hơn nữa các giải pháp đã được đề ra. Cụ thể, tháng 3/2022, đoàn đại biểu Việt Nam từ Bộ Công thương đã có chuyến thăm và làm việc tại Berlin trong khuôn khổ Ngày Năng lượng Việt - Đức do Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) thực hiện dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). 

Tiếp đó, Chương trình Đối thoại quốc gia: “Chuyển dịch năng lượng bền vững -Quản trị, Tài chính và Công nghệ” cũng diễn ra trong hai ngày 22-23/11/2022 tại Hà Nội. Chương trình do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với GIZ tổ chức, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan cấp cao tại Việt Nam đối với chủ đề này. 

Và mới đây nhất, trong khuôn khổ sự kiện “Đối thoại Năng lượng Việt - Đức” do Bộ Công thương phối hợp với GIZ triển khai từ ngày 28-30/11, đại diện BMWK đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), gặp gỡ các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, Câu lạc bộ Hiệu quả năng lượng và tham gia “Hội thảo về xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo & tiềm năng phát triển Hydrogen xanh tại Việt Nam”. 

 Hội thảo về xây dựng chính sách và phát triển năng lượng tái tạo & tiềm năng phát triển Hydrogen xanh. Ảnh: GIZ

Qua đó, có thể thấy mối quan hệ gắn bó cùng các hoạt động thiết thực của cả hai phía hướng về mục tiêu chung Net Zero và phát triển bền vững. Chia sẻ của Tiến sĩ Nicole Glanemann - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Năng lượng và Khí hậu tại khu vực Châu Á (BMWK) - đã khẳng định điều này: “Khi đặt ra mục tiêu Net Zero, Việt Nam và Đức cùng có nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Vì thế, chúng ta cần cùng hợp tác tìm giải pháp để để vượt qua những khó khăn trước mắt…”. 

Những kinh nghiệm và bài học từ Đức

“Chúng ta hành động càng sớm thì càng dễ dàng hơn trong việc đạt mục tiêu”, đó là nhận định được Tiến sĩ David Jacobs, chuyên gia GIZ, trình bày tại Hội thảo Quốc tế về Xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng phát triển Hydrogen xanh, ngày 30/11/2022. Ông cho biết, Đức đã thiết lập một lộ trình cụ thể cho mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 với 4 cấp độ cụ thể gắn với 4 mốc thời gian (2030, 2040, 2045, 2050). Trong đó, đến năm 2030, mức giảm phát thải khí nhà kính đạt ít nhất 65% (tham vọng hơn 10% so với mức trong Luật Bảo vệ khí hậu trước đó của Đức) và đến năm 2045 sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0. 

Để đạt được mục tiêu này, theo Tiến sĩ David Jacobs, sẽ có 5 trụ cột chiến lược chính được sắp xếp theo mức độ ưu tiên: Thúc đẩy Năng lượng tái tạo; Loại bỏ nhiên liệu than; Tăng cường hiệu quả năng lượng; Điện hóa ngành giao thông vận tải, nhiệt, công nghiệp và Phát triển hydrogen sạch. 

 Tiến sĩ Jacob chia sẻ Việt Nam những kinh nghiệm triển khai Net Zero của Đức tại hội thảo. Ảnh: GIZ

Hướng đến phát triển kinh tế xanh 

Vấn đề trọng tâm được các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh trong suốt chương trình đối thoại là việc xây dựng các khung chính sách phát triển năng lượng sạch với tầm nhìn dài hạn, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho các nguồn năng lượng xanh và tăng cường hợp tác với khối tư nhân. Cụ thể, luật năng lượng tái tạo, cơ chế đấu thầu hay thuế cacbon, cùng các giải pháp công nghệ mới như hydrogen xanh… là những gợi mở cho Việt Nam trên hành trình Net Zero. 

Bên cạnh đó, mô hình “Câu lạc bộ hiệu quả năng lượng” cũng được đánh giá cao trong việc giúp kết nối các doanh nghiệp có địa bàn gần nhau, đặc thù tương đối giống nhau có thể hỗ trợ nhau về kỹ thuật, máy móc, thiết bị. Qua đó giúp nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán và quản lý năng lượng, cũng như “kéo” các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế xanh, một xu hướng đã đang được Đức cùng nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hiệu quả. 

Các chuyên gia thảo luận về việc triển khai mô hình Câu lạc bộ hiệu quả năng lượng tại Việt Nam. Ảnh: GIZ

Có thể thấy, bằng những hỗ trợ về chuyên môn, nguồn lực và hành động cụ thể, nước Đức đã, đang đồng hành cùng Việt Nam tiến bước trên con đường đạt được Net Zero. 

Ngọc Minh