|
Mẩu quảng cáo tìm việc của người Việt và Philippines ở siêu thị Tân Phú, Q2. Mỗi quảng cáo được dán trong 1 tuần rồi gỡ đi, giá 100 ngàn đồng/tuần. |
Người Philippines chăm chỉ và chịu cực
Theo chân một người bạn, tôi đến khu nhà trọ nhiều người Philippines thuê để đi làm ở TP.HCM. Thật may, một cặp vợ chồng vừa đi làm về, người vợ về trước nấu cơm cho chồng về ăn sau.
Analyn, 32 tuổi, đã làm việc ở khu Thảo Điền hơn một năm. Cô cho biết, chị dâu cô sang Việt Nam làm việc trước, thấy thị trường việc làm tốt nên đã gọi cô sang cùng. Một thời gian ngắn, chồng cô cũng theo sang đây làm việc.
Căn phòng trọ cho 4 người chỉ chừng 20m2, có gác xép, giá 2,5 triệu một tháng. Anh Dennis, chồng Analyn nhận xét, giá thuê nhà và sinh hoạt phí tăng rất nhiều so với trước.
"Chúng tôi đi làm để nuôi cả gia đình, gồm bốn cha mẹ già và hai con nhỏ. Mỗi tháng, 6 người đó tiêu hết 350 đô la. Ở Philippines giá cả rất đắt, đắt hơn nhiều so với Việt Nam, trong khi đó, làm những công việc tay chân thì lương cực kỳ thấp. Đó là lý do người chúng tôi ra nước ngoài rất nhiều để kiếm sống. Về số người di cư ra nước ngoài, người nước tôi chỉ đứng hàng thứ hai sau Trung Quốc", anh Dennis cho biết.
Analyn hiện đang làm nghề trông trẻ (nany) cho một người Mỹ với mức lương 450 đô la/tháng.
Mỗi ngày cô làm 7 tiếng, được nghỉ một ngày chủ nhật. Buổi trưa cô thường về nấu cơm trước vì nấu ở nhà rẻ hơn đi ăn ngoài tiệm. Dennis làm vườn và vệ sinh bể bơi cho ba căn biệt thự, anh được trả 3 đô la/giờ, nghỉ chủ nhật.
"Làm vườn rất cực, tôi phải trèo lên cây để tỉa cành, lau rửa bể bơi cũng là công việc nặng nhọc. Nhiều đàn ông Việt đã phải bỏ cuộc vì tiếng Anh không thạo và không chịu được vất vả", Dennis nói.
Hỏi Analyn về những người giúp việc Philippines có mức lương 1000 đô la, cô cho biết, thường đó là những người sống ở trong nhà của chủ và nếu chủ có sống ở nước ngoài một thời gian thì cũng phải đi theo.
|
Mẩu quảng cáo tìm việc của người Việt và Philippines ở siêu thị Tân
Phú, Q2. Mỗi quảng cáo được dán trong 1 tuần rồi gỡ đi, giá 100 ngàn
đồng/tuần. |
Hai vợ chồng nói, có thể chúng tôi chịu cực giỏi hơn vì không còn con đường nào khác. Về quê hương thì phải chịu đói, nếu ở đây hết việc, vợ chồng anh lại phải đi sang nước khác để đi làm.
Anh Dennis cho hay, ở Philippines, việc học đại học rất đắt đỏ, con nhà nghèo không thể theo được, vì học phí khoảng 1.000 đô la/tháng.
Học sư phạm thông thường mất 4 năm, nhưng nếu học bác sĩ phải mất 10 năm. Tuy nhiên, người ta dạy tiếng Anh từ tiểu học và học phí nhìn chung rất rẻ, vì thế, ai cũng có thể học tiếng Anh tốt.
Ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh đã cứu rất nhiều người Philippines khi tha phương cầu thực ở nước ngoài. Họ cũng công nhận, do thiên tai và giá cả sinh hoạt đắt đỏ trong nước khiến họ phải chịu khó làm lụng ở bất kỳ nước nào để có tiền gửi về nuôi gia đình.
Làm việc gì để ô sin Việt có thu nhập cao?
Bà Nga, 62 tuổi đang làm nghề nấu ăn cho gia đình người Ấn Độ ở khu Thảo Điền, quận 2, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối với mức lương 350 đô la/tháng.
Từng là chủ một nhà hàng nên bà Nga rất giỏi nấu nướng. Buổi sáng, bà chuẩn bị bữa sáng rồi đi siêu thị, về nấu bữa trưa, ăn xong rửa bát, dọn dẹp cái bếp và chuẩn bị bữa tối. 8h tối, bà mới về đến nhà, kết thúc một ngày khá mệt mỏi.
Tuy nhiên, bà cho biết, ở tuổi hơn 60, đông con cháu, cần phải chi tiêu nhiều mà có mức lương này thì cực mấy cũng làm được.
Trong khi đó, Thảo Hương, từng có kinh nghiệm giúp việc nhà 5 năm ở Mỹ nên khi trở về Việt Nam, cô tìm được công việc trông trẻ 10 tuổi cho một gia đình người Pháp biết tiếng Anh với mức lương 300 đô la/tháng, làm việc 8 đến 9 tiếng mỗi ngày ở khu biệt thự Lan Anh, quận 2.
Do hai vợ chồng chủ nhà đi vắng cả ngày nên Hương ngoài giúp đỡ cậu bé 10 tuổi tất cả những công việc cần thiết, còn đưa đón cậu đi học ở trường quốc tế ngay gần nhà.
|
Khu Thảo Điền, quận 2 (TP.HCM), nơi có rất nhiều người nước ngoài đang
sinh sống và cần người giúp việc. |
Trong khi nhiều "houskeeper" (tạp vụ) cho các toà nhà hay khu căn hộ cho người nước ngoài thuê chỉ kiếm được mức lương 3 triệu/tháng thì Hương may mắn hơn do cô làm cho căn hộ ở Saigon Pearl với thù lao 50 ngàn đồng/giờ. Mỗi ngày cô làm chừng 6 đến 9 tiếng, riêng thứ 7 là 10 tiếng, nên thu nhập cao ngất ngưởng. Theo giới giúp việc cho Tây thì số người may mắn như vậy không nhiều, đa phần ở mức 150 đô đến 250 đô la.
Theo bà Bettina, một người Mỹ đang thuê một nany (trông trẻ) người Philippines, bà "không kiếm được người một cô gái trẻ người Việt thạo tiếng Anh như người Philippines. Hoặc có lẽ người thạo tiếng Anh không đi làm việc này (cười).
"Trong việc chăm sóc trẻ, nếu không giỏi ngôn ngữ thì rất khó dỗ dành hay chơi trò chơi với chúng".
|
Khu nhà ở người Philippines thuê ở quận 2. |
Cô Tấn (nhân vật trong bài trước) chia sẻ:
"Người Philippines đang lợi thế hơn người Việt rất nhiều về tiếng Anh và cả tinh thần làm việc nữa. Tôi chỉ ước có nơi nào dạy tôi biết nấu ăn món Âu với giá phải chăng thì đi làm lương sẽ cao hơn nhiều. Người Việt làm ô sin cho Tây có một cái tật là hay cãi chủ, trong khi người Philippines không bao giờ cãi. Họ làm việc chuyên nghiệp hơn và sẵn sàng làm thêm giờ nếu chủ cần."
Thảo Hương nói: "Nếu người Việt cởi mở hơn với nghề giúp việc thì sẽ có rất nhiều việc như thế ở nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, rất nhiều người cho rằng "ô sin" là một nghề thấp hèn và không thèm làm. Khi không thèm làm thì không muốn học hỏi. Chẳng học ai đâu xa, hãy học chính người Philippines đang làm việc ngay trên quê hương mình."
(Vì nhiều lý do tế nhị, nhân vật trong bài đã được đổi tên)
- Tú Uyên