Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), cho biết như vậy tại Hội thảo Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước chiều 20/2.

Tại hội thảo, ông Phớc cho hay trong năm 2018 (tính đến 31/12/2018), KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, tăng thu ngân sách Nhà nước 20.518 tỷ đồng, giảm chi 18.447 tỷ đồng, và xử lý tài chính khác 45.134 tỷ đồng.

Qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, cơ quan này xác định nộp ngân sách tăng thêm 1.684,6 tỷ đồng, số kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Phớc cho rằng, theo pháp luật thuế hiện hành người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế (có nghĩa khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện).

{keywords}
Một buổi họp báo công khai kết quả kiểm toán của KTNN

Trong khi đó, việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách nhà nước. Thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco,... truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Qua kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 tỉnh, thành phố, KTNN kiến nghị xử lý về số liệu liên quan đến việc thực hiện hoàn thuế chưa phù hợp quy định 1.396 tỷ đồng.

Với lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đối chiếu 329 dự án, cơ quan này cũng kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 3.856 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý 3.911 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2016, KTNN đã xác định truy thu thuế tài nguyên tăng thêm 560,6 tỷ đồng và kiến nghị địa phương xử lý khai thác ngoài ranh giới mỏ làm thất thu ngân sách khoảng 1.177,9 tỷ đồng.

Một điểm nóng thời gian qua là các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng), qua kiểm toán các dự án BT trong năm 2017 cho thấy hầu hết đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để chọn nhà đầu tư; thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất không thông qua  đấu thầu dẫn đến thất thoát NSNN. Kiểm toán 30 dự án BT từ trước đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỉ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Các dự án BOT đã giảm 222 năm thời gian thu phí của 61 dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, KTNN cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu đối với các đơn vị, tổ chức có liên quan (bên thứ 3 - các đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế, các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án bất động sản, khai thác khoáng sản,... ), KTNN phải thực hiện thông qua cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường). Song, do nhận thức và áp dụng pháp luật của một bộ phận chưa thống nhất nên quan niệm khi không là đơn vị được kiểm toán thì không chịu sự kiểm toán của KTNN.

“Chúng tôi đã gặp không ít các trường hợp đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu. Chỉ tính năm 2017, đã có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch; nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu”, ông Phớc nói.

Ngoài ra, các đơn vị này không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy kết quả thực hiện còn thấp, chẳng hạn năm 2017 (niên độ 2016, tính đến 31/12/2018): Số kiến nghị 91.322 tỷ đồng thì số thực hiện 66.415 tỷ đồng (tỷ lệ thực hiện 73,1%). Tình trạng này một phần đã làm thất thu ngân sách nhà nước. Nguyên nhân cơ bản là do thiếu các quy định về chế tài để xử lý mà chủ yếu là nhắc nhở nên giảm hiệu lực của kết luận KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật.

Đó là những bất cập được KTNN rút ra từ thực tiễn kiểm toán thời gian qua. Đây cũng là một trong số các nội dung chủ yếu cần thiết phải xem xét sửa đổi liên quan đến Luật KTNN 2015, có hiệu lực từ 2016.

Thứ nhất, đó là quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán của KTNN; Thứ hai, quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, Tổng KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng; Thứ ba, bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; Thứ tư, bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lắp, chồng chéo; Thứ năm, cần bổ sung quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán; Thứ sáu, quy định cụ thể việc cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử và thứ bảy là một số nội dung khác.

Ngọc Hà