“Thị trường giảm quá bất ngờ, đang lãi khá lớn sau chỉ vài tiếng giờ đã lỗ một khoản không hề nhỏ”, ông Đỗ Hữu Hưng, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết.
Theo nhà đầu tư này, thị trường diễn biến bất ngờ và khó hiểu khi phần lớn thông tin trên thị trường vẫn khá tích cực, những thông tin xấu mới chưa xuất hiện. Sức cầu vẫn lớn, trong phiên liền trước giá trị giao dịch đã tăng vọt lên trên ngưỡng tỷ USD khi sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào hệ thống giao dịch mới có công suất cao gấp nhiều lần. Thế nhưng, thị trường đã đảo chiều giảm mạnh vào cuối phiên, trái ngược với tình trạng xanh tăng giá trong buổi sáng.
Bà Nguyễn Thị Hiền, một nhà đầu tư tại Ba Đình cho biết, các cổ phiếu ngân hàng đón nhận một loạt tin tốt, lợi nhuận dự báo tăng mạnh và tín dụng sắp tăng cao. Giá các cổ phiếu nhóm ngành này tiếp tục tăng trong buổi sáng nhưng quay đầu giảm sàn vào cuối giờ chiều.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều 6/7, chỉ số VN-Index của HOSE giảm 56,34 điểm (đương đươngg giảm 4%) xuống còn 1.354,79 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn chứng khoán Hà Nội cũng tụt giảm hơn 9 điểm xuống 318,51 điểm. Upcom-Index cũng giảm hơn 1,5%.
Các cổ phiếu ngôi sao trong ngành ngân hàng tụt giảm sàn như: Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh, VietinBank (CTG), MBBank, Sacombank (STB) của ông Dương Công Minh, hay TPBank (TPB) của đại gia ngành vàng Đỗ Minh Phú…
Một số cổ phiếu ngành khác cũng giảm mạnh như Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng, Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng… cũng giảm sàn. Vingroup (VIC) giảm 3.000 đồng xuống 112.000 đồng.
Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí cũng bất ngờ giảm mạnh cho dù giá dầu trên thế giới tăng mạnh. GAS giảm tới 6.200 đồng, Petrolimex giảm 2.800 đồng/cp…
Cho dù giá giảm mạnh nhưng lực cầu bắt đáy cũng rất lớn. Giao dịch trên 3 sàn tăng lên mức 34,3 nghìn tỷ đồng.
Thị trường giảm giá bất ngờ như 2 lần giảm điểm mạnh mất trên dưới 60 điểm hồi tháng 1 đầu năm. Một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu đây có là diễn biến dựa trên cung cầu thật hay có gì khuất tất.
Như vậy, với phiên giảm mạnh 6/7, chỉ số VN-Index đã đánh mất ngưỡng 1.400 điểm chinh phục được từ ngày 28/6 sau 21 năm thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.
Giới đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường sẽ đi lên tiếp và chinh phục ngưỡng 1.500 điểm ngay trong năm nay sau khi đã tăng ngoạn mục 28% trong nửa đầu năm và là chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ 2 trên thế giới.
Giá cổ phiếu giảm mạnh, VN-Index mất mốc 1.400 điểm. |
Dự báo trái chiều
Kỳ vọng này được đặt ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng, doanh nghiệp lớn trên sàn ước tính lãi lớn trong 2 quý đầu năm.
Theo VDSC, Techcombank sẽ ghi lợi nhuận quý II/2021 hơn 5.600 tỷ. Trong 6 tháng đầu năm Techcombank có thể ghi nhận lợi nhuận hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2020.
Diễn biến tích cực là tình trạng chung của các cổ phiếu ngân hàng. Ước tính tăng trưởng lợi nhuận quý II của VietinBank (CTG) đạt gần 11%. MSB ước tính lợi nhuận 6 tháng có thể đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 85% kế hoạch năm. LienVietPostBank cũng tiết lộ kết quả kinh doanh 5 tháng với lợi nhuận trước thuế khoảng 1.700 tỷ đồng, tính ra bình quân mỗi tháng lãi khoảng 370 tỷ đồng, gấp đôi so với mức bình quân 6 tháng năm 2020.
Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục lãi sau thuế 35.000 tỷ đồng, doanh thu 90 nghìn tỷ đồng và chia cổ tức 2020 tỷ lệ 45%.
Gần đây, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đưa ra dự báo TTCK Việt Nam điều chỉnh giảm sau đợt tăng mạnh.
Mirae Asset cho rằng, thị trường có thể sớm điều chỉnh trong tháng 7 và VN-Index lùi về vùng 1.200 điểm trước khi trở lại xu hướng tăng điểm và hướng về mức 1.500 điểm. Theo Mirae Asset, kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh diễn ra trong 2 tháng cuối của quý. Tuy vậy, mức tăng trưởng chung vẫn sẽ rất ấn tượng do so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ.
Mirae Asset giả thiết rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào giữa tháng 7; nhờ đó, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ không bị ảnh hưởng. Mirae Asset điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm để phản ánh điều này với dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 lên 33,8% từ mức 28% trước đây.
Trong một hội thảo gần đây, đại diện UBCK cho biết chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (PE) trên thị trường đã trên 19 lần và nhiều cổ phiếu tăng “nóng”. Do vậy, thị trường chứng khoán trước nguy cơ phải điều chỉnh.
Khối tự doanh của các CTCK cũng đã bán ròng tuần thứ 5 liên tiếp với 930 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu trụ cột bị bán ròng như HPG, TCB, VIC, VPB, VGC…
Thực tế cũng cho thấy cho thấy cho dù VN-Index vượt đỉnh lịch sử trong những ngày qua nhưng vẫn có gần trăm mã cổ phiếu vẫn ngược dòng giảm trong nửa đầu năm 2021. Thị trường đi lên chủ yếu vẫn nhờ các cổ phiếu blue-chips. Và do vậy, sự điều chỉnh của các cổ phiếu trụ cột sẽ ảnh hưởng mạnh tới thị trường chung.
Mặc dù điều chỉnh giảm nhưng nhiều CTCK cũng như tổ chức nước ngoài vẫn đưa ra dự báo triển vọng tích cực của chứng khoán Việt Nam dựa trên các yếu tố như: lãi suất huy động vẫn ở mức thấp, kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81 có hiệu lực, định giá cổ phiếu Việt vẫn hấp dẫn hơn so với khu vực và triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới…
M. Hà
Lần đầu tiên trong lịch sử: Chứng khoán vượt đỉnh 1.400 điểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến sôi động, thanh khoản giảm nhưng vẫn ở mức rất cao. Niềm tin vào triển vọng các doanh nghiệp và việc giải quyết tắc nghẽn lệnh đã kéo VN-Index lần đầu tiên vượt 1.400 điểm.