Bắc Kinh có thói quen chào mừng các quan chức cấp cao Mỹ tới viếng thăm bằng cách ra mắt những khí tài quân sự hiện đại nhất, được thiết kế để đối trọng với Mỹ.

Vào tháng 1, Chính phủ Trung Quốc đã chọn chuyến công du của ông Robert Gates (khi ấy là Bộ trưởng Quốc phòng) để thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình J-20 thế hệ năm.

Gates và các quan chức Mỹ coi đây đó là động thái cố tình thể hiện sự gây hấn, đặc biệt khi chuyến thăm của ông là một nỗ lực làm ấm lại quan hệ song phương sau nhiều tháng đóng băng.

Trước đó, trên đường tới Trung Quốc, ông Gates thừa nhận rằng, một số tiến bộ của Trung Quốc, nếu được xác nhận, có thể cuối cùng sẽ xói mòn khả năng quân sự truyền thống của Mỹ ở Thái Bình Dương. “Họ rõ ràng có tiềm năng đặt một số khả năng của chúng ta vào chỗ rủi ro và chúng ta phải để tâm tới điều đó. Chúng ta phải phản ứng thích hợp bằng những chương trình của chính mình”, ông nói.

Kiểu đón chào đặc biệt

Giờ đây, Bắc Kinh lại lần nữa áp dụng kiểu chào đón rất đặc biệt ấy. Ít ngày trước, hải quân quân đội Trung Quốc (PLAN) đã tiến thành cuộc thử nghiệm đầu tiên trên biển cho tàu sân bay đầu tiên mang tên Varyag từ thời Liên Xô được nâng cấp.


Hãng Tân hoa xã tuần này tuyên bố, cuộc thử nghiệm là thành công to lớn. Điều đáng nói ở đây là động thái thử tàu sân bay diễn ra đúng vào lúc Phó Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến công du Trung Quốc 5 ngày.

Mặc dù bản thân Varyag không phải là khí tài quân sự đe dọa đáng kể và không khiến các nhà chiến lược Mỹ mất ăn mất ngủ, nhưng nó thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong nỗ lực khoe sức mạnh với láng giềng và cuối cùng là trên phạm vi toàn cầu.

Mục đích sử dụng tàu sân bay và chương trình xây dựng tàu sân bay của Trung Quốc khiến các nước xung quanh ở Đông Á và Viễn Đông lo lắng.

Và những quan ngại ngày một lên cao với việc Trung Quốc không tiếc tiền của đầu tư vào hạm đội tàu ngầm - giờ đây là hạm đội lớn nhất thế giới với khoảng 70 tàu - và một ngân sách quốc phòng gia tăng không ngừng ở mức gần 13% trong năm nay, đạt 91,7 tỉ USD, cùng cách hành xử ngày một gây hấn trong tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là ở Biển Đông.

Lo lắng khiến các láng giềng Trung Quốc cũng tìm cách tăng cường đầu tư vào khả năng phòng thủ như tàu ngầm, tên lửa hành trình siêu âm về lý thuyết có khả năng đánh trúng mục tiêu là tàu sân bay.

Nhiều nước châu Á cũng hướng tới Mỹ tìm sự bảo vệ.

Không phải ngẫu nhiên khi con tàu sân bay Varyag thực hiện thử nghiệm lần đầu tiên trên biển thì tàu sân bay Mỹ USS George Washington, và nhóm tàu chiến đấu đi kèm tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông với hải quân một số nước Đông Nam Á.

Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với 4 nước Đông Nam Á. Và gần đây, cả Việt Nam và Philippines đều là mục tiêu của những hành động gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển này. Biển Đông được cho là nơi có trữ lượng dầu khí phong phú và Trung Quốc không ngại ngần tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển bằng cách tự đưa ra bản đồ chín đoạn. Bản đồ này thậm chí kéo dài tới tận Indonesia, và cách đảo Hải Nam - nơi Trung Quốc gần Biển Đông nhất tới 1.200km.

Sự quan tâm của Mỹ với vấn đề hàng hải đã khiến quan chức quân sự hàng đầu Trung Quốc - Tổng tham mưu trưởng Trần Bỉnh Đức có tới 15 phút không ngừng nghỉ, không ngại ngần lễ tiết ngoại giao để chỉ trích Washington trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwanjin.

Đâu chỉ là con tàu thử nghiệm

Bắc Kinh khẳng định, tàu Varyag chưa chính thức mang một cái tên Trung Quốc, từng được mua lại với ý định làm sòng bạc nổi và trung tâm giải trí ở Macau, sẽ chỉ được sử dụng cho các mục tiêu nghiên cứu và huấn luyện.

Nhưng Trung Quốc từ lâu đã khát khao các tàu sân bay với biểu tượng cho một sức mạnh quân sự đang trỗi dậy, để biểu trưng uy thế quân sự và ngoại giao nhằm giành các lợi thế cho mình. Họ đã mua ba tàu sân bay trước Varyag và xin, mua, sao chép các thiết kế tàu sân bay cũng như công nghệ liên quan ở bất cứ nơi nào.

Kể từ năm 1987, Trung Quốc đã bắt đầu đào tạo các hoa tiêu với kỹ năng hải vận và dự kiến những thuyền trưởng của nhóm tàu sân bay nội địa đầu tiên sẽ được lựa chọn từ nhóm này.

Cuối tháng trước, tướng Lạc Nguyên - một nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viên Khoa học quân sự Trung Quốc nói rằng, nước này cần ít nhất ba tàu sân bay hoạt động vào năm 2014 để theo kịp những kế hoạch triển khai quân sự của các đối thủ trong khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản.

Hai tàu sân bay nội địa đầu tiên được cho là đang trong quá trình xây dựng tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải.

Và không phải tất cả người Trung Quốc đều chia sẻ với quan điểm của Bắc Kinh khi coi Varyag chỉ là con tàu thử nghiệm. Một bài báo trên trang web của PLAN cách đây vài ngày đưa ra câu hỏi: "Tại sao chúng ta xây dựng nó nếu chúng ta không đủ can đảm và sẵn sàng sử dụng tàu sân bay để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ? Lý do tại sao chúng ta xây dựng tàu sân bay là để đảm bảo cho các lợi ích và quyền hàng hải của Trung Quốc được hiệu quả hơn. Chúng ta sẽ tự tin hơn và quyết tâm hơn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ sau khi có các tàu sân bay".

Thái An (theo vancouversun)