- Công trình thủy điện Don Sahong không thể tách ra khỏi mối quan hệ của các quốc gia láng giềng với nhau, đặc biệt giữa hai nước Lào Việt, và cần phải tính đến sự điều hòa hợp lý quyền lợi của cả mọi bên.
Các đập thuỷ điện trên sông Mekong (Cửu Long) đều có ảnh hưởng bất lợi đến tài nguyên thiên nhiên ở mức độ khác nhau đối với các nước nằm ở hạ lưu. Trong đó, hai dự án thủy điện trên đoạn sông Mekong chảy qua nước Lào - Xayabouri và Don Sahong, nếu được thực thi toàn bộ như ý đồ của chủ đầu tư, sẽ là mối đe dọa trực tiếp nhất và trở thành mối quan tâm trước mắt và chính đáng đối với Việt Nam.
Bản đồ sông Mekong gồm đập Xayabouri (chấm đỏ trên) và Don Sahong (dưới). Ảnh: nguồn Google. |
I.Đôi co: Tham vấn hay không tham vấn
Riêng Dự án thủy điện Don Sahong có công suất 260 Megawatt (MW) phải được coi là một công trình nằm trên dòng chính sông Mekong nên phải tuân thủ theo quy định ở văn bản có tên gọi là “Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận viết tắt là PNPCA” của Ủy hội quốc tế sông Mekong.
Nhưng ở một phiên họp đặc biệt của Ủy hội, được tổ chức vào tháng 01/2014 tại Vientian (Lào) đã không đi đến được thống nhất. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu Thông báo về công trình thủy điện do nước chủ nhân Lào đưa ra, ba quốc gia thành viên là Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều đã đề nghị cần thực hiện quy trình Tham vấn trước. Riêng chỉ Lào không đồng ý.
Mãi nửa năm sau, ngày 26 tháng 6 năm 2014, tại Phiên họp lần thứ 20 Hội đồng Uỷ hội sông Mekong quốc tế, tổ chức ở Bangkok (Thái Lan), đại diện nước Lào, ông Viraphon Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ mới tuyên bố sẽ thực hiện quy trình Tham vấn trước đối với công trình thủy điện Don Sahong”.
Lời tuyên bố ấy, dù sao, cũng làm nhẹ nhõm không khí của phiên họp và cả công luận bên ngoài. Nhận được sự đồng ý này, Ban Thư ký Ủy hội, theo quy định PNPCA, cho tiến hành việc trao đổi với các quốc gia thành viên liên quan trước khi quá trình tham vấn chính thức được khởi động. Rồi ngày 25 tháng 7 năm 2014 được lấy làm thời điểm bắt đầu thực hiện quá trình Tham vấn, đồng thời cũng là ngày mà phía Lào hoàn thành việc nộp các tài liệu thuyết minh cần thiết.
Tiếp theo, phiên họp lần thứ 40 Uỷ ban Liên hợp của Uỷ hội Quốc tế sông Melong, được tổ chức trong các ngày 1-2/10/2014 tại PhnomPenh (Campuchia), đã thông báo bổ sung thêm về sự “cần thiết gia hạn quá trình tham vấn để có thêm thời gian tiến hành nghiên cứu về các tác động của công trình thủy điện Don Sahong của Lào nhằm chuẩn bị các lý lẽ thuyết phục, có cơ sở khoa học cho quyết định xây dựng công trình”.
Ý kiến trên được thống nhất cao trong các đại biểu tham dự một loạt các hội thảo tham vấn quốc gia do Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức mới gần đây nhất trong ba ngày từ 22 đến 24/12/2014 tại Hà Nội và Cần Thơ.
Một cuộc hội thảo tham vấn quốc gia do Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ. Ảnh: nguồn www.vnmc.gov.vn |
Không chỉ có các hoạt động tham vấn của Việt Nam, các quốc gia thành viên khác của Uỷ hội cũng tiến hành các hội thảo tham vấn quốc gia để lấy ý kiến về công trình thuỷ điện dòng chính này.
II.Tham vấn từ phía Việt Nam
Trong phạm vi hoạt động tham vấn quốc gia do Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức, các cuộc hội thảo đã lôi cuốn sự quan tâm đông đảo, với sự có sự mặt của các đại diện nhiều bộ ngành như Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Giao thông, Ngoại giao, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Có cả sự tham gia của các đại diện, các nhà chuyên môn từ các sở, ban ngành của 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và một số tổ chức phi chính phủ trong nước, các hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên đại diện cho cộng đồng người dân địa phương ở ĐBSCL.
Ở đó, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến phản biện của riêng mình bằng những con số phong phú, sự phân tích cặn kẽ và phản biện thẳng thắn.
Cá chở bằng “xe tải”, bơi qua “tuabin thân thiện”?
Nhánh Hou Sahong, nơi dự kiến xây đập thủy điện Don Sahong. Ảnh: nguồn internationalrivers.org |
Đập thủy điện Don Sahong mà Lào sắp xây dựng nằm trên Hou Sahong, 1 trong 17 phân lưu của dòng chính sông Mekong, gần giáp với biên giới Campuchia. Trong điều kiện thủy văn bình thường như hiện nay, khoảng 4% tổng dòng chảy hàng năm của sông Mekong đi qua phân lưu Hou Sahong. Nhưng đến khi đập thủy điện được xây dựng thì 50% dòng chảy sẽ được điều hướng vào Hou Sahong trong mùa khô (vào mùa mưa là 7%) để đảm bảo lưu lượng cho việc phát điện.
Bấy giờ, phân lưu Hou Sahong có vai trò đặc biệt vì là đường di cư qua lại của 80% lượng cá trên sông Mekong. Và, dĩ nhiên, nếu đập thủy điện Sahong vận hành thì đường đi của các loài cá hầu như không còn có nữa, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học và trước hết đe dọa lập tức môi trường sống của các loài cá, trong đó đặc biệt là loài cá heo nước ngọt quý giá.
Biết trước tình huống này, các chủ đầu tư Dự án thủy điện Don Sahong chỉ đưa ra một vài cái gọi là “sáng kiến” rằng sẽ “chuyển đường di cư của cá sang 2 dòng phân lưu Hou Sadam và Hou Sangphuoc” mà không hề đưa ra những tính toán thủy văn, thủy lực nào cả. Đó là đặt vào đập các tuabin “thân thiện” với loài cá (tức không gây tổn thương cho cá khi bơi qua tuabin để xuyên đập), hoặc đối với loài cá lớn thì huy động sức người “vớt từ dưới đập; “nâng niu” từng con lên xe tải và chuyển đến thả phía bên kia đập” !
Các sáng kiến đó thực sự khó hiểu, phi thực tế và mang tính hài hước. Chuyên gia trong ngành, ông Lê Tấn Định chỉ rõ: “Giải pháp bắt cá là không khả thi. Và cũng chưa nhìn thấy tuabin nào gọi là thân thiện với cá cả”. Chỉ có thể thấy trước rằng, khi đập thủy điện Don Sahong vận hành thì cá không còn đường để đi nữa. Điều này đe dọa môi trường sống của khoảng 100 loài cá di cư quanh năm, trong đó có loài cá quý hiếm nhất - cá heo nước ngọt.
Ảnh hưởng tổng thể đa dạng sinh học?
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý còn khẳng định rằng, báo cáo của chủ đầu tư về Dự án thủy điện Don Sahong thiếu giải pháp cho tác động lên chất lượng nước của việc đào hơn 1 triệu m3 đất đá, hay tác động của tăng hàm lượng phù sa, bùn cát lên sinh vật thủy sinh. Họ thiếu đánh giá toàn diện về sinh cảnh sẽ bị mất ở khu vực ven bờ của phân lưu Hou Sahong; thiếu đánh giá tác động đối với đa dạng sinh học của khu vực, đặc biệt là phía hạ du… Đây là khu vực có “sự đa dạng sinh học cao với nhiều loài đặc hữu”, nhưng lại “bị đe dọa tuyệt chủng”. Nên việc các tác động về môi trường, kinh tế xã hội, rủi ro xuyên biên giới không được tính đến là điều bất hợp lý …”.
Bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã nêu rõ hiện tượng trên. Còn ông Phan Anh Vũ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh thêm kiến nghị cần phải đánh giá tổng thể các đập thủy điện trên sông Mekong tác động đến vùng hạ du, đặc biệt là là Đồng bằng sông Cửu long. Nếu ĐBSCL hết phù sa thì vựa lúa không còn đe dọa an ninh lương thực. Thực tế cho thấy, năm nào lũ về lớn, mùa vụ liên tiếp trúng đậm, ngược lại không có lũ thì năng xuất sụt giảm, chi phí tăng cao...
Như vậy, việc các vị chủ dự án nước Lào chỉ đánh giá tác động trong “phạm vi 3/17 phân lưu của dòng chính sông Mekong là chưa đầy đủ”, vì thế ông Đặng Thanh Lâm, chuyên gia ở Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đặt câu hỏi: “tại sao không đánh giá tác động xuyên biên giới?”. Còn Bà Huỳnh Thị Phép, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An xác định: các báo cáo, đánh giá của chủ đầu tư công trình thủy điện này chưa thuyết phục, chưa đủ cơ sở khoa học. Bà lo lắng: “Biết rằng công trình phục vụ phát triển của nước bạn nhưng phải đảm bảo an toàn cho các nước liên quan. Cần phải đánh giá nghiêm túc đến sinh kế của hàng chục triệu người dân vùng hạ du, đặc biệt nếu có sự cố xảy ra thì giải pháp ra sao, bồi thường ra sao…”
Lời kết
Các đại biểu dự các hội thảo tham vấn quốc gia do Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức đã thống nhất, rằng Dự án thủy điện Don Sahong, nếu không điều chỉnh, sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, thiệt hại lớn về kinh tế và sinh kế của người dân Campuchia và Việt Nam, đặc biệt cả chục triệu nông dân đang sống nhờ ruộng vườn, sông nước của ĐBSCL”.
Như vậy, các hoạt động tham vấn như vừa rồi xem ra chỉ mới khởi sự và lộ trình “tham vấn trước” còn phải kéo dài thêm. Công việc này, dĩ nhiên, không còn đóng khung trong phạm vi các cuộc hội thảo mang tính chuyên môn nghiệp vụ. Đến lúc này đã nhìn thấy rõ vấn đề Công trình thủy điện Don Sahong không thể tách ra khỏi mối quan hệ của các quốc gia láng giềng với nhau, đặc biệt giữa hai nước Lào Việt, và cần phải tính đến sự điều hòa hợp lý quyền lợi của cả mọi bên.
Trần Minh