Vào đêm ngày 10, rạng sáng ngày 11/8 tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến hai sự kiện thiên văn kỳ thú diễn ra liên tiếp: trăng tròn và mặt trăng đạt vị trí cực cận, còn gọi là siêu trăng.
Theo anh Đặng Tuấn Duy - chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC), điều đáng chú ý ở hai hiện tượng trăng tròn (full moon) và Mặt trăng đạt vị trí cực cận (perigee) vào đêm ngày 10, rạng sáng ngày 11/8 là chúng diễn ra gần như cùng lúc - cách nhau chỉ 20 phút. Thuật ngữ thiên văn học cho hiện tượng Mặt trăng đạt vị trí cực cận với Trái đất vào đúng ngày trăng tròn hay trăng non là siêu trăng (supermoon).
Siêu trăng sẽ xuất hiện vào rạng sáng ngày 11/8 tới đây. |
Anh Đặng Tuấn Duy cũng cho biết, lần cực cận này cũng là lúc Mặt trăng đạt tới vị trí gần Trái đất nhất trong năm 2014, với khoảng cách là 356.896km. Theo các nhà khoa học, Mặt trăng sẽ không tiến tới gần Trái đất ở khoảng cách tương tự cho tới cuối tháng 9 năm 2015.
Vào thời điểm diễn ra siêu trăng, Mặt trăng có thể to hơn 12-14% và sáng hơn 30% so với thông thường. Tuy nhiên, mắt người khó mà nhận ra sự khác biệt này nếu không có công cụ đo chuyên dụng. Cách tốt nhất để nhận ra sự khác biệt là chụp ảnh Mặt trăng bình thường và Siêu Mặt trăng với cùng tiêu cự máy ảnh rồi đem so sánh.
Hình ảnh Mặt trăng bình thường và Siêu Mặt trăng khi chụp cùng tiêu cự máy ảnh. |
Lần gần đây nhất diễn ra hiện tượng siêu Mặt trăng trên Trái Đất trong năm 2014 là vào ngày 13/7. Tuy nhiên, khi ấy, khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất lớn hơn so với hiện tượng siêu trăng trong rạng sáng 11/8 tới đây. Ngoài ra, thời điểm giữa hai hiện tượng cực cận và trăng tròn cũng cách nhau khá xa, không diễn ra đồng thời như rạng sáng ngày 11/8.
Trong năm 2014, có tổng cộng 5 lần diễn ra hiện tượng siêu trăng: 2 lần trăng non trong tháng 1, và 3 lần trăng tròn trong các tháng 7, 8 và 9.
Được biết, thuật ngữ "siêu trăng" được sử dụng lần đầu tiên bởi chiêm tinh gia Richard Nolle vào hơn 30 năm trước.
Theo Giadinhonline