Đi đôi với mở rộng diện tích thì tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều loại nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 128 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP; Cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà được chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Riêng Cam sành Hàm Yên là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam.

Các sản phẩm khác như: Chè hữu cơ Shan Tuyết Hồng Thái, chè đặc sản Vĩnh Tân, cá Lăng… được bình chọn “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 thương hiệu/nhãn hiệu nổi tiếng.

W-camtuyen.png
Cam sành Hàm Yên

Thực hiện Quyết định số 216/QĐ-BCT ngày 10/02/2023 của Bộ Công Thương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023, Sở Công Thương Tuyên Quang được giao nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cung ứng mặt hàng thiết yếu cho địa phương.

Xã Lực Hành là xã khu vực III, thuộc khu vực khó khăn của huyện Yên Sơn. Xã có 3.700 nhân khẩu, 80% là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40,86%. Người dân ở đây mong có nhiều cửa hàng thương mại hai chiều. Cửa hàng kiểu này sẽ cung cấp đủ những mặt hàng cần thiết cho người dân địa phương với giá cả và chất lượng đảm bảo.

Đáp ứng mong mỏi của bà con, ngày 24/11, "Mô hình thương mại hai chiều" đã được khai trương tại Cửa hàng Thắng Loan, thôn Đoàn Kết.

Mô hình này được hộ kinh doanh đón nhận tích cực với kỳ vọng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho gia đình mở rộng kinh doanh, cung cấp hàng hóa cũng như thu mua cung ứng hàng hóa, sản vật của địa phương ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ông Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã khẳng định, "Mô hình thương mại hai chiều" thực sự cần thiết đối với xã không có chợ nông thôn như Lực Hành. Có mô hình này người dân sẽ được cung cấp các sản phẩm thiết yếu rõ nguồn gốc, đảm bảo hơn về chất lượng, đồng thời là nơi để người dân trao đổi những sản phẩm địa phương, vùng miền của tỉnh.

Tuyên Quang là một trong 7 tỉnh được Bộ Công thương hỗ trợ xây dựng "Mô hình thương mại hai chiều". Mô hình thương mại hai chiều vừa là điểm bán hàng thiết yếu vừa là điểm thu mua, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Xây dựng mô hình thương mại hai chiều sẽ vừa cung cấp những hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời thu mua, tiêu thụ những sản phẩm hàng hóa do bà con làm ra để tạo thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống, đảm bảo an sinh, xã hội.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, nhiều sản phẩm hàng hóa tốt được kiểm soát về an toàn thực phẩm sẽ được đưa ra thị trường. Đây cũng là một bước để đưa được sản phẩm, hàng hóa vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số vào trong các kênh tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh đó, mô hình thương mại hai chiều sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu được tiếp cận với thị trường trên địa bàn, từng bước nhân rộng và xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường các điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn toàn tỉnh; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm phong phú về mẫu mã, chủng loại, đảm bảo chất lượng, có giá cả phù hợp với thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Nhóm PV