May mắn được chọn, ông Lương Viết Lợi đến nay là người Việt duy nhất tham gia hành trình trên chiếc bè mảng qua Thái Bình Dương cùng nhà thám hiểm nổi tiếng Tim Severin.
Chia sẻ về chuyến hải trình vượt biển dài hơn 5.500 dặm từ Hồng Kông sang Mỹ, ông Lợi vẫn nhớ như in, đặc biệt là những lần đối mặt với bão biển hay bị cướp tấn công.
Năm 1992, Tim Severin - một nhà du hành nổi tiếng người Anh sang Việt Nam nhờ đóng bè làm phương tiện hành trình sang Mỹ.
Trước đó, ông này đã tới nhiều nước khác song không tìm được thợ ưng ý. Sầm Sơn là địa điểm được chọn thuê đóng bè.
Ông Lợi nằm trong số 40 người được chọn làm nhân công.
Chiếc mảng do Tim chỉ huy vượt Thái Bình Dương được chế tạo theo mẫu bè dân gian Sầm Sơn nhưng đã được cải tiến lên bởi các nghiên cứu, thử nghiệm khoa học hiện đại.
Suốt bốn tháng liền đóng - thử nghiệm, việc đóng chiếc bè mảng mới hoàn tất. Bè dài 18,3 m, rộng 4,6m, cao gần 1 m và có buồm rộng tới 75 m2.
Khác với các mảng đánh cá thông thường, mảng vượt biển được tăng cường ba lớp tre luồng với tổng cộng 550 cây và hàng nghìn mối buộc lạt mây.
Mảng phải làm theo lối cổ, không có những đinh sắt hay dây thép dây nylon chằng buộc.
Sau đó, ông Lợi may mắn trở thành người Việt duy nhất được nhà du hành Tim Severin đồng ý cho tham gia chuyến hành trình vượt biển Thái Bình Dương.
"Tôi được các thành viên người nước ngoài dạy tiếng Anh. Và tôi lại dạy tiếng Việt cho họ, chẳng mấy chốc đôi bên dần hiểu nhau", ông Lợi kể.
Trung tuần tháng 3/1993, chiếc bè mảng chính thức rời Việt Nam đưa ông Lợi cùng các thành viên khác sang Hồng Kông.
Từ Hong Kong, hải trình vượt biển chính thức bắt đầu.
“Quãng đường đi từ Hồng Kông sang Mỹ phù hợp nhất với sức chịu đựng theo thời gian của chiếc bè, nếu chọn Việt Nam làm điểm xuất phát sẽ khiến hành trình xa hơn và gặp nhiều rủi ro hơn”, ông Lợi cho hay.
Tim Severin (đứng), người chỉ huy cuộc hành trình 5 người này từng thực hiện nhiều chuyến thám hiểm nhằm lặp lại những chuyến đi của người xưa.
Sau khi tạm dừng chân tại Nhật Bản, trên bè mảng chỉ còn lại 5 thành viên (ông Lợi bìa phải) tiếp tục hành trình.
Vừa rời khỏi bờ biển "đất nước mặt trời mọc", đoàn du hành bất ngờ bị cướp biển tấn công.
Khoảng chục tên chĩa súng, gậy gộc xông lên dọa dẫm. Song, do không tìm thấy đồ đạc gì đáng giá, bọn chúng đành bỏ đi.
“Trước khi đi, các thành viên trong đoàn đã được cảnh báo về nạn cướp biển nên khi gặp tình huống thật sự, chúng tôi luôn vững tâm”, ông Lợi kể.
Trong suốt hành trình, đoàn thám hiểm còn lại phải đương đầu với ba trận bão biển. Có những lúc sóng đẩy bè bốc lên cao cao tương đương tòa nhà ba tầng rồi bất ngờ nhào xuống rồi lại hất lên...
"Bão hoành hành khiến chúng tôi phải nhịn đói, đồ đạc đều ướt sũng.
Gió giật, phả từng hồi khiến thân bè kêu cọt kẹt như muốn vỡ tan. Có lẽ nhờ thần may mắn chúng tôi mới sống sót", ông Lợi nhớ lại.
Mặc dù vậy, khi bão tan, chiếc bè vẫn tiến về phía trước. Trong một lần đi quan sát bè, nhà du hành Tim bất ngờ bị cánh buồm đập mạnh vào hông, ba xương sườn bị gãy rồi bất tỉnh.
Rất may ông không bị rơi xuống biển và sau đó được các thành viên trong đoàn cứu chữa kịp thời.
Lúc khởi hành, đoàn thám hiểm mang theo 5 tấn lương thực.
Trên hành trình, họ tranh thủ dùng cung tên, lao đánh bắt hải sản để bổ sung vào khẩu phần ăn.
Bè mảng Thanh Hóa vượt 5.000 dặm qua Thái Bình Dương
Đến từ các quốc gia khác nhau nhưng sau một thời gian gắn bó, cùng chia sẻ khó khăn hoạn nạn, các thành viên trên bè đều rất hiểu nhau.
Khoảng cách ngôn ngữ, văn hóa hầu như được khỏa lấp.
Cũng theo ông Lợi, ngoài việc chịu bão gió, chiếc bè còn không ít lần “chết hụt” khi suýt va chạm với tàu lớn.
Ròng rã 6 tháng lênh đênh trên biển, khi đoàn thám hiểm chỉ còn cách bờ biển Mỹ khoảng 1.100 dặm thì một trận siêu bão bất ngờ hình thành trên hành trình bè nhắm tới.
Để giữ an toàn, bè trưởng đoàn Tim đành ra lệnh cho mọi người rời bè lên tàu để vào bờ tránh bão.
Không lâu sau, cả 5 thành viên được đưa về Nhật Bản.
Toàn bộ diễn biến hành trình cuộc phiêu lưu kéo dài 5.500 dặm đã được nhà du hành Tim viết lại, hiện đã in thành sách, dịch sang tiếng Việt.
Năm 2004, tại TP.HCM, ông Lợi đã có dịp gặp lại nhà du hành Tim và một số thành viên khác.
"Gặp nhau sau hơn 10 năm xa cách, câu chuyện giữa chúng như vô tận, bao gắn bó, kỷ niệm ùa về", ông Lợi tâm sự.
(Theo Zing)