Bước vào năm 2024, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) còn 420 hộ nghèo và hộ cận nghèo. Theo điều tra, 176 hộ nghèo ở thị xã này không có khả năng lao động, con số này với hộ cận nghèo là 90; nguyên nhân gây nghèo lớn nhất là không có lao động.

Năm 2024, UBND tỉnh giao thị xã Điện Bàn giảm 4 hộ nghèo. Tuy nhiên theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã năm 2024, địa phương phấn đấu giảm 15 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,65%. Năm nay, tổng ngân sách từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để thị xã Điện Bàn thực hiện 3 dự án là hơn 4,8 tỷ đồng.

Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo của UBND thị xã Điện Bàn cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thị xã, các hội, đoàn thể các cấp tích cực phối hợp tham gia cùng chính quyền trong tổ chức thực hiện Chương trình và các chính sách, hoạt động giảm nghèo bền vững; tăng cường giám sát, phản biện xã hội hoặc kiến nghị, đề xuất những giải pháp, chính sách phù hợp góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Sáu tháng đầu năm 2024, Quỹ Vì người nghèo thị xã Điện Bàn vận động được hơn 545 triệu đồng. Ngoài hoạt động trao quà cho các đối tượng yếu thế, MTTQ thị xã cũng bàn giao 2 nhà đại đoàn kết với số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà. Tại các xã, phường, MTTQ đã phát huy vai trò quan trọng trong hành trình đồng hành với chính quyền thực hiện giảm nghèo bền vững.

Tại xã Điện Thọ, bà Nguyễn Thị Lân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, cho biết năm 2024, giấc mơ an cư đã trở thành hiện thực với một số hộ nghèo tại xã này. Chăm lo nhà ở cho hộ nghèo là hoạt động trọng tâm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại xã Điện Thọ. 

Để nguồn hỗ trợ đến đúng đối tượng, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã rà soát từng hộ nghèo, thẩm định hiện trạng nhà ở và điều kiện để có cách hỗ trợ phù hợp. Ngoài kinh phí, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cùng chính quyền địa phương tích cực vận động các đơn vị, nhân dân chung tay hỗ trợ tiền, ngày công để giúp các hộ nghèo làm nhà ở.

Năm 2024, gia đình bà Nguyễn Thị Bích, thôn Phong Thử 1, xã Điện Thọ, đã được dọn vào ngôi nhà mới khang trang. Ngày về ở trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, bà Bích nói "không thể tin nổi khi ước mơ bao lâu đã thành hiện thực". 

Bà Bích đã lớn tuổi, thường xuyên đau ốm nhưng vẫn phải chăm lo 2 người con mắc bệnh. Ba mẹ con bà lâu nay sống trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng hoàn cảnh khó khăn không thể xây sửa nổi. Mùa mưa bão, nỗi lo mái dột, ngói rơi cứ nặng trĩu, thậm chí, để an toàn cho bản thân, mẹ con bà phải ở nhờ.

Thấu hiểu khó khăn trên, để giúp gia đình bà Bích có mái ấm mới kiên cố, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo xã Điện Thọ đã vận động số tiền 90 triệu đồng từ chùa Giác Hoa và một tổ chức khác. Cùng số tiền vay mượn từ người thân, hàng xóm, bà Bích lại được hỗ trợ góp công nhật, căn nhà đã hoàn thành sau 3 tháng khởi công. 

Cùng với gia đình bà Bích, năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Thọ vận động hỗ trợ xây mới nhà cho 6 hộ với mức hỗ trợ từ 80-100 triệu đồng/nhà; hỗ trợ sửa chữa nhà cho 6 hộ nghèo, khó khăn, mức hỗ trợ từ 30-40 triệu đồng/nhà. Những ngôi nhà kiên cố không chỉ mang đến niềm vui cho hộ nghèo, hộ khó khăn mà còn là động lực để họ nỗ lực phấn đấu vươn lên.

W-giam ngheo .jpg
Nhiều địa phương quan tâm, chú trọng chăm lo bù đắp các chiều thiếu hụt về dinh dưỡng, y tế, giáo dục cho trẻ em vùng khó khăn. 

Tại xã Điện Phước, giữa tháng 6, MTTQ Việt Nam xã phối hợp các tổ chức trong xã phát động mô hình “Hộ khá giúp hộ khó”. Ngay tại buổi ra mắt, MTTQ, các tổ chức, các khu dân cư vận động gần 300 triệu đồng. Mô hình đã trao 1 xe nước mía, 8 con bò giống, 3 bộ bàn ghế làm phương tiện sinh kế; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 5 nhà đại đoàn kết...

Gia đình bà Lê Thị A, thôn Nhị Dinh 3, bất ngờ rơi vào diện hộ cận nghèo khi trong nhà có người đau ốm nặng, phải bán đi nhiều tài sản để chạy chữa. Chia sẻ với hoàn cảnh bà A, Hội Nông dân xã Điện Phước kết nối vận động hỗ trợ mua 2 con bò tặng bà nhằm tạo sinh kế để ổn định cuộc sống.

Không chỉ giúp nhau về sinh kế, việc giúp nhau theo mô hình khá đa dạng, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của hộ cần giúp đỡ. Một số “hộ khá” giúp “hộ khó” bằng tiền, ngày công lao động để di dời tường rào, cổng ngõ mở rộng; lại có "hộ khá" chia sẻ kiến thức, chuyển giao kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, giúp "hộ khó" từng bước có thu nhập ổn định...

Tính hiệu quả, thiết thực, trực tiếp của mô hình đã được khẳng định, tới đây, mô hình tiếp tục được duy trì và nhân rộng bằng nhiều hình thức như vận động “hộ khá” trao tặng sinh kế, học bổng, dạy nghề miễn phí, tặng thẻ bảo hiểm y tế..., giúp "hộ khó" điều kiện vươn lên, đảm bảo các chiều dịch vụ xã hội cơ bản.