Để cải thiện sinh kế và an ninh lương thực cho cộng đồng tại các khu vực miền núi và đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, RDPR đã tập trung huy động nguồn lực thực hiện nhiều dự án hỗ trợ.

Từ tập trung nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển các công trình hạ tầng nhỏ đến hỗ trợ giao đất giao rừng cho cộng đồng, hướng dẫn bà con khai thác lâm sản phụ từ rừng hợp pháp, hỗ trợ cây giống, thực hiện các mô hình trồng rừng phòng hộ, bảo tồn và phát triển cây bản địa, bảo vệ rừng cộng đồng…

anh 1.jpg
Người dân xã Trường Xuân trồng sả để sản xuất tinh dầu, làm gia vị. Ảnh: CTV

Những năm gần đây, RDPR tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp, tạo thương hiệu sản phẩm và tiếp cận thị trường. Đơn vị đã hỗ trợ xây dựng thành công 3 nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: Mô hình chuỗi giá trị cây sả, cây dược liệu tại xã Trường Xuân, chuỗi sản phẩm mật ong tại xã Trường Sơn và chuỗi sản phẩm măng rừng tại bản Hang Chuồn, xã Trường Xuân.

Để Hợp tác xã (HTX) nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn hoạt động hiệu quả, RDPR tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi ong, hỗ trợ con giống, trang thiết bị, xây dựng nhãn hiệu, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh… cho các thành viên với tổng kinh phí 800 triệu đồng.

Đến nay, HTX có 31 thành viên ở 6 thôn bản, từ 75 đàn ong ban đầu nay đã tăng lên 575 đàn. Tổng khối lượng mật ong thu được bình quân mỗi năm khoảng 2.800 lít, doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng.

“Sản phẩm mật ong do HTX sản xuất đã được kiểm định, đăng ký chất lượng, xây dựng mã số, mã vạch, thương hiệu để tiêu thụ ra thị trường và được công nhận OCOP 3 sao. Nhờ nuôi ong lấy mật nên thu nhập của thành viên HTX được cải thiện đáng kể”, Giám đốc HTX nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn Lê Văn Tiến cho biết. 

Được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, RDPR xây dựng và đề xuất dự án phát triển chuỗi giá trị tinh dầu sả tại xã Trường Xuân với diện tích 30ha. Triển khai dự án, RDPR tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng sả cho cộng đồng, tư vấn, cung cấp giống, xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị chế biến tinh dầu, thiết kế mẫu mã, xây dựng hệ thống kênh tiêu thụ sản phẩm.

Mỗi năm, Tổ hợp tác (THT) trồng cây dược liệu Trường Xuân sản xuất khoảng 1.500 lít tinh dầu với khoảng 500 tấn sả nguyên liệu. Sản phẩm có 2 loại gồm tinh dầu dạng xịt và nhỏ giọt, đến nay doanh thu của THT đạt 900 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Một số bà con cũng trồng sả làm gia vị bán ra thị trường cho thu nhập khá cao.

RDPR còn hỗ trợ bà con xã Trường Xuân thành lập HTX măng giang Trường Xuân, thu mua các loại măng rừng trên địa bàn về chế biến, bình quân mỗi ngày khoảng 1,5 tạ măng. Mặc dù hoạt động chế biến tập trung trong thời gian 7 tháng/năm nhưng HTX vẫn cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Viết Tâm, Giám đốc HTX măng giang Trường Xuân, Tổ trưởng THT trồng cây dược liệu Trường Xuân nói: “Dự án góp phần trực tiếp tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Hoạt động trồng và chế biến tinh dầu sả phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nên việc duy trì, nhân rộng rất thuận lợi”.

Ngoài hỗ trợ các mô hình sinh kế, RDPR còn hỗ trợ bà con tiếp cận chính sách pháp luật về bình đẳng giới. Triển khai một số dự án về tiếp cận Luật Bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo…

Từ khi thành lập đến nay, RDPR đã góp phần giúp cho hộ nghèo huyện Quảng Ninh giảm xuống đáng kể. Đến nay, toàn huyện còn 1.178 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,23%. 

“Thời gian tới, RDPR tiếp tục vận động các nguồn lực để xây dựng các công trình dân sinh, mô hình sinh kế cho cộng đồng, tạo chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đầu tư, nghiên cứu mở rộng địa bàn hoạt động ra các huyện miền núi để có thêm nhiều người dân được hưởng lợi...”, ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc RDPR nói.