Liên Hợp Quốc xác định tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tới nay, hơn 80 quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện, với giải pháp trọng tâm là ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong thiết kế, phân phối các sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Kết quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện tại nhiều quốc gia trên thế giới đều ghi nhận sự đóng góp to lớn vào xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Trong tiến trình đó, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).

ngan hang nam khanh 11.jpg

Lực lượng đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số dịch vụ tài chính là hệ thống ngân hàng thương mại. Các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được ứng dụng mạnh mẽ trong hầu hết hoạt động ngân hàng, nhiều nghiệp vụ được số hóa hoàn toàn.

Cùng với đó là sự xuất hiện của các đơn vị cung cấp giải pháp ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính (fintech), vừa hỗ trợ, vừa tạo sức ép thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. 

Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) đã phân tích thực trạng bức tranh tài chính toàn diện tại Việt Nam sau gần 5 năm thực hiện Chiến lược. Theo đó, nhờ sự tăng trưởng nhanh ở cả số lượng kênh cung ứng dịch vụ và tốc độ chuyển đổi số, tỷ lệ người trưởng thành tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại đã tăng trưởng nhanh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023, hơn 87% số người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và các tổ chức được phép khác, vượt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược. 

Nhờ áp dụng công nghệ tài chính, những rào cản đối với tài chính toàn diện như thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý đã gần như được xóa bỏ. Nhiều nhóm khách hàng trước đây gần như “vô hình” với hệ thống tài chính, tín dụng truyền thống thì nay đã được nhận diện, trong đó bao gồm cả những đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp ở thành thị, người sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…