Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 137 doanh nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, chiếm tỷ lệ khoảng 23% trong tổng số các doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.

Sản phẩm của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may vừa cung ứng cho thị trường trong nước, vừa xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc. Dệt may hiện đang là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Đồng Nai chỉ sau giày dép.

{keywords}
Đồng Nai có 137 doanh nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may.

Đồng Nai là một trong 4 nơi cung ứng nguyên liệu cho ngành dệt may lớn nhất cả nước. Trong số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, có khoảng 70% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Dẫn đầu trong sản xuất, xuất khẩu cho ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may là Công ty trách nhiệm hữu hạn Hyosung Việt Nam.

Đồng Nai đã có nhiều ưu tiên cho ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, bởi dệt may được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp đi đầu trong phát triển, mở rộng thị trường trong giai đoạn kinh tế hội nhập. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ đã bước đầu hình thành mối liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia. 

Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại một số khu công nghiệp trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai cũng có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp nguyên phụ liệu về tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thu nhập, miễn giảm thuế tùy theo chủng loại sản phẩm, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thiết bị…

Minh Đức