Thực hiện chương trình chuyển đổi số Quốc gia, những năm gần đây, các huyện trong tỉnh Đồng Nai đã tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, từ đó đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số của tỉnh, của cả nước.

Nhơn Trạch dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số

Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (CĐS) các sở, ban, ngành và địa phương của Đồng Nai năm 2023, đối với UBND cấp huyện, thành phố trong tỉnh, UBND huyện Nhơn Trạch dẫn đầu với 470,1 điểm.

Có được kết quả này là nhờ, thời gian qua, huyện Nhơn Trạch luôn xác định trung tâm của quá trình CĐS là người dân, doanh nghiệp. Đây là tiền đề để thúc đẩy tiến trình CĐS, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Huyện luôn chủ động, tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn. Huyện Nhơn Trạch là một trong những địa phương thực hiện mô hình Một cửa liên thông hiện đại đầu tiên trong tỉnh từ năm 2013.

Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các đơn vị triển khai phần mềm điều chỉnh, cấu hình hệ thống theo hướng thuận tiện cho người sử dụng và đảm bảo công tác quản lý, giám sát toàn hệ thống. Đến nay, hệ thống một cửa điện tử huyện, xã ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra như: tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình thẩm quyền cấp huyện và cấp xã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ cấp huyện và cấp xã; nhiều chỉ tiêu về kinh tế số, xã hội số…

Long Khánh: Chuyển đổi số tạo tiền đề tiến tới xây dựng thành phố thông minh

Luôn quan tâm thực hiện công tác chuyển đổi số và coi đây là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, thành phố Long Khánh hy vọng ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp thành phố giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa, từ đó tạo tiền đề tiến tới xây dựng thành phố thông minh.

Năm 2024, thành phố tổ chức Chương trình Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ trái cây và các nông sản đặc trưng thông qua live stream. Kết quả, các fanpage trên địa bàn đã tiếp nhận gần 200 đơn hàng bán trái cây các loại, hơn 500 sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thu hút hơn 6 ngàn lượt theo dõi, tương tác, chia sẻ, mang về nguồn thu lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp…

Từ tháng 9/2024, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố tổ chức cho nhân viên đơn vị viễn thông cùng với đoàn viên hỗ trợ cấp chữ ký số miễn phí và hướng dẫn người dân sử dụng chữ ký số khi đến làm thủ tục hành chính. Hoạt động này đã giúp người dân khi đến nộp hồ sơ thuận tiện, tiết kiệm thời gian, tăng độ an toàn, bảo mật thông tin… Đây cũng là thành quả của quá trình chuyển đổi số mà thành phố quan tâm, thực hiện thời gian qua.

Biên Hoà: "Gieo" nhận thức, "gặt" hành động

Cuối tháng 10 vừa qua, UBND thành phố Biên Hòa đã tổ chức khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số và chăm sóc sức khỏe toàn dân thành phố Biên Hòa lần thứ II-2024.

Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ, đây là sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thành phố trong việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số và chăm sóc sức khoẻ người dân.

Tuần lễ năm nay thu hút được hơn 100 gian hàng của các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, những thương hiệu có uy tín đến tham gia trưng bày các sản phẩm, dịch vụ trên các lĩnh vực kinh tế số, xã hội số; triển lãm các sản phẩm y tế, thiết bị tập luyện thể dục, thể thao và tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trưng bày các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), không gian sách ứng dụng không dùng tiền mặt, không gian văn hóa ẩm thực…

Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh tại Trảng Bom

Trong 3 ngày từ 18 đến 20/10, nhiều hoạt động của chặng 2 trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) đã diễn ra tại huyện Trảng Bom.

Tại chặng này, nhiều sự kiện, cuộc thi liên quan đến chuyển đổi số, phong trào thanh niên sẽ tiếp tục được tổ chức như: không gian triển lãm về chuyển đổi số, đấu trường số “Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh”, hội thi Thanh niên Đồng Nai đồng hành cùng sản phẩm OCOP của tỉnh lần thứ II năm 2024, giải thể thao điện tử E-sport, tuyên truyền về an toàn thông tin mạng…

Trước đó, cuối tháng 9, tại Trảng Bom đã triển khai mô hình “Zalo kết nối bình yên” tại 17 xã thị trấn trên địa bàn huyện và chọn xã Quảng Tiến làm điểm triển khai mô hình. Mô hình “Zalo kết nối bình yên” ra mắt với mục đích tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về công tác đảm bảo an ninh trật tự; hướng dẫn, vận động Nhân dân tự phòng ngừa, tích cực tham gia phát hiện tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, còn cung cấp các thủ tục hành chính cho công dân và tuyên truyền hoạt động của lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; thông báo gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến… Đây là cầu nối tương tác tốt, nhanh giữa lực lượng Công an phường với người dân trên địa bàn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, là diễn đàn công nghệ để “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” một cách kịp thời, nhanh chóng nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký ban hành Quyết định số 3307/QĐ-UBND về việc phê duyệt Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (DDCI) năm 2024.

Việc xây dựng và triển khai Bộ chỉ số DDCI trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ngành, huyện, thành phố, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại địa phương.

Đồng thời, đảm bảo các nguyên tắc: đảm bảo tính thực tế; đảm bảo gắn trách nhiệm cụ thể; đảm bảo tính khả thi; đảm bảo tính chính xác, khoa học và minh bạch; đảm bảo tính bảo mật.

Đối tượng được đánh giá gồm 20 sở, ban, ngành và 11 UBND các huyện, thành phố của tỉnh. Trong đó, bộ chỉ số thành phần DDCI khối địa phương có 9 chỉ số, gồm: tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; chỉ số xanh; khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.

Bộ chỉ số thành phần DDCI khối sở, ban, ngành có 8 chỉ số, gồm: tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; chỉ số xanh.

Cửu Long