Nhân viên một ngân hàng trên địa bàn tỉnh hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng ngân hàng số tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: H.Quân |
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển này, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ về bảo mật, lừa đảo trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo có nhiều thủ đoạn tinh vi. Điều này đòi hỏi cần phát triển một xã hội không dùng tiền mặt nhưng phải an toàn, nâng cao tính bảo mật.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi
Vào giữa tháng 6/2024, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty CP Thanh toán quốc gia Napas, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt.
Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN Việt Nam) Phạm Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động và QR code tăng trưởng nhanh chóng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển này, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật với nhiều thủ đoạn tinh vi như: giả mạo cơ quan, tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch, dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo, cài đặt phần mềm độc hại...
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05), cho biết tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai quyết liệt nhưng nhiều người vẫn sập bẫy. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật.
Theo thống kê của Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 thủ đoạn lừa đảo.
PGS-TS Trần Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn số liệu cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do gian lận thanh toán số. Cụ thể, tỷ lệ thiệt hại do gian lận số gây ra tại Việt Nam lên tới 3,6% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu (1,1%). Các hình thức gian lận trong thanh toán số phổ biến tại Việt Nam bao gồm: tấn công mạng (phần mềm độc hại, lừa đảo, tấn công trung gian), mạo danh, gian lận phi kỹ thuật, lạm dụng chính sách hoàn tiền, gian lận của bên thứ nhất...
Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ khách hàng, người dân
Để đối phó với tình trạng gian lận số ngày càng gia tăng, các ngân hàng hay doanh nghiệp, tổ chức tín dụng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp… Ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, NHNN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN năm 2023 (gọi tắt là Quyết định số 2345). Theo đó, từ ngày 1/7, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân.
Liên quan Quyết định số 2345, Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng phân tích thêm, nếu không may chúng ta bị lấy mất thông tin của khách hàng, bọn tội phạm có thể chiếm máy đó. Nhưng với việc áp dụng Quyết định 2345, khi giao dịch phải so khớp, xác thực khuôn mặt thì tội phạm không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc. Như vậy, tội phạm không thể lấy được tiền.
Điều khá quan trọng khi chiếm đoạt thông tin là kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. Do đó, tội phạm không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền. Mặt khác, các chuyên gia phân tích khi thực hiện giao dịch thông thường thì người đi thuê tài khoản, người cho thuê tài khoản không thể sử dụng được tài khoản giao dịch.
Cục A05 đưa ra một số khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ bản thân trước các hành vi lừa đảo như: tìm hiểu và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch; không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản e-banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ. Tuyệt đối không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Người dân cần cài đặt bảo mật 2 lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè trên mạng…
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo mật cho người dùng cũng rất quan trọng, góp phần ngăn chặn lừa đảo khi ứng dụng di động ngày càng trở thành mục tiêu ưa thích của kẻ gian.
PGS-TS Trần Hùng Sơn nêu lên giải pháp về việc chia sẻ thông tin gian lận giữa các bên liên quan trong thanh toán số, thanh toán trực tuyến. Trong đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán cần chủ động hợp tác, chia sẻ cơ sở dữ liệu về gian lận, đồng thời thống nhất quy trình xử lý chung. Việc hoàn thiện hệ thống định danh số cũng sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng ngừa gian lận trong thanh toán.
Ngoài ra, sự phát triển của các hình thức thanh toán số mới cũng là một thách thức đặt ra cho công tác bảo mật. Vì vậy, cơ quan quản lý cần chủ động xây dựng hành lang pháp lý để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán số và ngăn ngừa rủi ro gian lận.
Theo Hải Quân (Báo Đồng Nai)