Việc ứng dụng AI và phân tích dữ liệu trong công tác quản lý đem đến nhiều cơ hội, hứa hẹn cải thiện năng suất, đáp ứng nhanh nhu cầu của người dân khi đi làm thủ tục. Đồng thời, góp phần hình thành nền tảng của chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Nhiều tiềm năng, cơ hội

Sở KH-CN và Sở TT-TT Đồng Nai vừa tổ chức Hội thảo khoa học Ứng dụng AI và phân tích dữ liệu trong lĩnh vực hành chính công.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã chia sẻ, trao đổi và phản biện các ý kiến về những điều kiện, cơ hội và khó khăn khi triển khai ứng dụng AI và phân tích dữ liệu trong lĩnh hành chính công nói chung và trên địa bàn Đồng Nai nói riêng.

Vận hành trung tâm điều hành đô thị thông minh tại TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân - Báo Đồng Nai.

Theo báo cáo của Sở KH-CN, trong thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai và đạt được nhiều kết quả về chuyển đổi số, trong đó hạ tầng viễn thông cố định và di động cơ bản đã phủ sóng tới 100% các ấp, khu phố. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt khoảng 86%.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (phần mềm Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh) kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia và được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng.

Cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực đã được xây dựng, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở phục vụ tiến trình xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thí điểm mô hình trung tâm giám sát và điều hành thông minh (IOC) ở TP. Biên Hòa, TP. Long Khánh…

Phó Viện trưởng thường trực Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo DN (3AI) Ngô Hữu Thống chia sẻ, chuyển đổi số và ứng dụng AI, phân tích dữ liệu đang trở thành xu hướng phổ biến trong xã hội hiện đại.

Tại Đồng Nai, từ việc phân tích SWOT (phân tích về thế mạnh - hạn chế - cơ hội - thách thức) về chuyển đổi số và ứng dụng AI, phân tích dữ liệu trong lĩnh vực hành chính công trên địa bàn tỉnh có thể nhận thấy tỉnh có nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ công, cải thiện quy trình và quản lý hành chính. Từ đó, tạo ra sự kết nối, tương tác thông tin tốt giữa cơ quan nhà nước và người dân.

Tuy nhiên, việc ứng dụng này cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, đào tạo và nâng cao năng lực công nghệ cho bộ phận phụ trách, cũng như tối ưu hóa việc hợp tác với các DN công nghệ.

TS. Nguyễn Ngọc Trường Minh (Khoa Điện - điện tử, Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ, Đồng Nai có nhiều tiềm năng, điều kiện để triển khai ứng dụng về AI, phân tích dữ liệu trong lĩnh vực hành chính công. Tỉnh đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực đã được xây dựng.

Tuy nhiên, để việc triển khai ứng dụng này phát huy hiệu quả thì vấn đề về xây dựng, tích hợp dữ liệu để triển khai, sử dụng trên các nền tảng ảo là rất quan trọng. Đồng thời, cần vận hành hiệu quả trung tâm giám sát và điều hành thông minh của tỉnh.

Cần lộ trình phù hợp

Theo nhiều chuyên gia, những khó khăn trong việc ứng dụng AI và phân tích dữ liệu tại địa phương như: Vấn đề phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; tiến độ đầu tư, triển khai các dự án về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn chưa cao, tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cần được cải thiện. Ngoài ra, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng còn nhiều thách thức, việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của người dân, DN cần chủ động hơn.

Theo Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông, việc ứng dụng AI, phân tích dữ liệu trong các lĩnh vực, trong đó có hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm nhân lực bộ máy và giảm thời gian xử lý công việc, chờ đợi và chi phí của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, quản lý xã hội và quản lý đô thị góp phần phát triển kinh tế của tỉnh tăng trưởng bền vững.

Cùng quan điểm, TS Lê Kim Hùng (Trường đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, để thực hiện hiệu quả, thành công về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, AI, phân tích dữ liệu, bên cạnh việc phát triển hạ tầng phù hợp cần xây dựng lộ trình, cách thức triển khai phù hợp.

Trong đó, địa phương cần xây dựng một kế hoạch chi tiết về thay đổi quy trình làm việc, cách thức nâng cao năng lực công nghệ thông tin của người dân và cán bộ công chức để phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Ngoài ra còn cần lưu ý tới những rủi ro về bảo mật, an toàn thông tin, độ tin cậy của hệ thống vận hành…