- Chưa bàn đến chuyện giá thành cao, nhiều phụ huynh và học sinh khi được hỏi đều phàn nàn đồng phục của trường mẫu mã xấu, chất liệu vải không tốt nhưng vẫn phải mua.
“Độc” lại không đẹp
Ghi nhận tại nhiều trường học trên địa bàn TP.Hà Nội cho thấy lo lắng nhất của phụ huynh chính là chất liệu đồng phục.
Một phụ huynh ở Long Biên than thở vải của trường thường pha nhiều nilon, mặc rất bí bách vì không thoát mồ hôi mà học sinh (HS) lại ưa hoạt động
Để thuận tiện cho con nhiều phụ huynh muốn tự mua vải và thuê may bên ngoài theo mẫu giống đồng phục ở trường.
Tuy nhiên với những đồng phục “một mình một kiểu” như ở một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân khiến phụ huynh cũng đành bó tay: HS nữ mặc zip đỏ, bên trên là áo trắng dạng vải phông, hai bên ống tay và cổ viền đỏ nên mua ngoài không có, thuê may thì rất cầu kỳ. Cuối cùng, các gia đình đành phải đặt mua luôn ở trường.
Một phụ huynh Trường THCS Lê Ngọc Hân cũng chia sẻ chị không thể mang vải nhờ bên ngoài may giúp vì thiết kế đồng phục “độc” của các con: le lé một chút họa tiết ở cổ, ống tay, chân váy.
Học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân, Hà Nội trong lễ khai giảng năm học 2014-2015 (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Ngoài kiểu dáng, nhiều phụ huynh cũng bị làm khó vì thiếu logo in tên trường. Trên trang webtretho nhiều năm trước, nhiều phụ huynh còn loay hoay lập hẳn diễn đàn hỏi kinh nghiệm mua logo đồng phục ở đâu.
Một phụ huynh Trường TH Quang Trung, quận Đống Đa cho hay chị đành chấp nhận mua đồng phục của trường chỉ để lấy logo đính sang áo tự may cho con.
Chưa hết, tại Trường TH Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ) hay Trường TH Khương Mai (quận Thanh Xuân) logo tên trường còn được in trực tiếp vào ngực áo, cánh tay của đồng phục nên phụ huynh chỉ còn lựa chọn mua đồng phục từ nhà trường.
Ngoài ra, có trường lại quy định đồng phục theo khối. Một phụ huynh Trường TH Thượng Thanh, quận Long Biên cho biết đồng phục của khối 1, 2, 3 là váy; lớp 4,5 chuyển sang mặc quần. Con học hết lớp 3 chị lại phải mua đồng phục khác.
Khổ sở
Chị Minh có con học lớp 2 và lớp 5 một trường tiểu học ở Sóc Sơn chia sẻ mọi năm chị vẫn mua đồng phục cho hai con. Tuy nhiên, năm nay chị không muốn may thêm đồng phục cho con học lớp 5 nữa, vì con đã có hơn 7 bộ rồi.
Đầu năm học này, con gái học lớp 5 của chị Minh nhận về 2 bộ đồng phục rộng thênh thang. Áo quần nhận về lại phải tốn tiền đi sửa cho con.
Một phụ huynh Trường TH Ngọc Lâm (quận Long Biên) than thở: Về lý thuyết, các con chỉ mặc đồng phục thể dục vào tiết thể dục. Nhưng các trường tiểu học hiện không có phòng thay đồ riêng, HS cũng không có tủ đựng đồ cá nhân nên các con đành phải mặc đồng phục thể dục từ nhà và mặc suốt ngày ở trường. Mặc quần nỉ, áo không thấm mồ hôi giữa thời tiết hè ở lớp nếu không có điều hòa không khác gì cực hình.
Học sinh Trường TH Khương Mai, quận Thanh xuân, Hà Nội trong lễ khai giảng năm học 2014-3015. (Ảnh: website nhà trường). |
Một phụ huynh khác ở quận Hoàng Mai cho rằng việc nhà trường bố trí 2 tiết thể dục trong tuần vào hai ngày thứ 4, 5 khiến cứ tối thứ 4 là chị phải giặt đồng phục thể dục rồi hong trước quạt để kịp khô cho con mặc tiếp vào buổi học sáng thứ 5.
Một HS một trường THCS trên quận Hai Bà Trưng cho hay áo khoác đồng phục của em có thun bo ở ống tay. Tuy nhiên do thây thun may chật khiến em mặc vào bị bó, ngứa, không thoải mái.
Một phụ huynh khác có con học lớp 3 ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: Mới rồi, chị được trường mời mua đồng phục cho con để mặc vào thứ 2 và thứ 6. Như vậy là quá lãng phí.
Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường không được bắt buộc học sinh, sinh viên mặc đồng phục hằng ngày khi đến trường. Tuy nhiên không ít trường yêu cầu học sinh mặc đồng phục cả tuần khiến phụ huynh phải mua tới vài ba bộ đồng phục các loại cho con.
Dù trường cấm nhưng những chiếc quần bó sát được nhiều nữ sinh ưa thích mặc khi đến lớp. Nhiều em cũng thay đổi, may lại áo đồng phục với chất liệu mát và thoải mái hơn. (Ảnh: P.Đăng) |
Do may đồng loạt nên đồng phục ở trường thường chỉ có các loại cơ như to, trung bình, nhỏ. HS phải chấp nhận mặc vừa tương đối. Cộng thêm với việc mẫu mã không đẹp nên trừ khi đến trường rất ít học sinh muốn mặc đồng phục khi đi chơi.
- Phong Đăng