- “Có khách đến đặt làm két đựng vàng, tiền vì “vàng lên giá, trộm cướp như ranh”. Rồi còn đặt làm cả trạm xăng đủ kích cỡ, để “người nhà” đỡ lao đao dù xăng có tăng giá đến giời…” – ông Thoái hóm hỉnh kể.

Về làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh mùa Vu Lan, người ta chỉ thấy khắp trong cùng ngõ hẻm, từ đầu làng đến cuối làng, chỗ nào cũng tràn ngập đồ hàng mã.

Một ngày bán cả chục vạn ô tô, biệt thự

Gia đình ông Thoái – một người làm hàng mã nổi tiếng ở Đông Hồ là một trong các hộ chuyên nhận các sản phẩm “đặt hàng” độc đáo của khách.

Nhà ông Thoái có ít nhất 2 cửa hàng hàng mã bề thế ở sát thị trấn Hồ, còn bản thân ông bà và các con làm việc tại xưởng gần nhà.

Tóc đã bạc, tuổi đã cao, nhưng ông Thoái vẫn có thể ngồi cả ngày để nghĩ ra những mẫu hàng mã lạ mắt chiều lòng khách.

Két bạc

“Có khách đến đặt làm tủ đựng vàng, tiền vì “vàng lên mà trộm cướp như ranh”. Rồi còn đặt làm cả trạm xăng đủ kích cỡ, để “người nhà” đỡ lao đao dù xăng có tăng giá đến giời…” – ông Thoái hóm hỉnh kể.

Ông Thoái cho biết, những “hàng đặt” như trên có giá khá đắt, và thường khách đặt đến đâu làm đến đấy. Từ đầu vụ, nhà ông mới chỉ bán khoảng trên, dưới chục sản phẩm cho khách lẻ.

Trạm xăng

Tuy nhiên, ông khá tự tin những mẫu hàng của mình sẽ nhanh chóng phổ biến vì: “Tùy nhu cầu thị trường mà người làng người ta sẽ đua nhau làm theo. Mà cứ “trần sao, âm vậy”, tình hình xăng tăng giá thế này thì từ giờ đến Tết, kiểu gì những đồ này chẳng đắt hàng!”.

Ngồi sụp giữa đống vàng mã cao rợp đầu, chị Hà Thị Sợi (thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) mê mải với những sản phẩm đang hoàn thiện.

Thiết bị giải trí

Ngoài 30 công nhân làm việc hết công suất ở xưởng, nững ngày này, mọi người trong gia đình chị hầu như đều không lúc nào rảnh rỗi vì còn bận làm hàng mã.

“Năm ngoái người ta thích xe tay ga, thích điện thoại đời mới, rùa vàng, kiệu vàng… Năm nay lại thích máy bay, biệt thự, ô tô, iphone, ipad... Thiết kế chi tiết, giống thật nên khách hàng rất thích. Giáp rằm tháng 7 có ngày cao điểm nhà tôi xuất cả chục vạn máy bay, biệt thự” – chị Sợi cho biết.

Phú quý sinh lễ nghĩa

Đông Hồ bây giờ nghề làm tranh chỉ còn là “bảo tồn”, “du lịch”, gắn với những kỉ niệm của một thời. Thay vào đó, hàng mã lên ngôi, nhà nhà làm hàng mã, người người người làm hàng mã vì có việc quanh năm, cho thu nhập tốt.




Những sản phẩm “hút khách” mùa Vu Lan 

Trẻ con Đông Hồ sớm biết phụ cha mẹ làm hàng mã hoặc đi làm thuê cho các xưởng trong làng. Lớp 8, lớp 9 đã có thể kiếm tiền phụ bố mẹ nhờ đi làm hàng mã thuê như vậy.

Còn thanh niên trai tráng trong làng cũng không phải tha hương đi làm thuê, làm mướn. Ai học được thì đi học, không học được thì ở nhà làm cùng bố mẹ, thu nhập không thuê kém gì, thậm chí còn cao hơn đi làm công nhân, đi làm thợ.

Gia đình cô Lại Thị Cheng (làng Đông Hồ) đã nhiều đời nay vẫn sống bằng nghề hàng mã. Cô Cheng có ba người con trai, cả ba sau khi nghỉ học đều ở nhà làm hàng mã với bố mẹ.

“Nghề làm hàng mã đã có ở đây từ thời các cụ, chứ không phải gần đây mới có. Chỉ có điều, ngày xưa hàng mã lép vế so với tranh, các nhà làm hàng mã rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều nhà chỉ làm tranh thủ lúc mùa vụ nhàn rỗi. Còn bây giờ, thì ngược lại, làm tranh thì đói, người ta chẳng ai mặn mà nữa. Còn làm hàng mã thì nhiều người “phất” nên càng ngày càng nở rộ!” – cô Cheng tâm sự.



Cô Cheng cho hay, trước kia đồ hàng mã rất đơn giản: Vàng, bạc, mũ, áo… Cầu kỳ thì có giày dép, quang gánh, liềm, hái… đi kèm.

Còn thời nay, đồ vàng mã ngày càng phong phú đến mức cổ quái.

“Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa. Người ta không chỉ đốt tiền vàng, quần áo thường mà đốt cả “hàng hiệu”, hàng thời trang. Nhà giàu thì đốt theo nhà lầu, xe hơi, điện thoại xịn, rồi điều hòa, tủ lạnh… Thậm chí đốt theo cả ô sin phục vụ…” – cô Cheng thở dài nói, chẳng biết là vui hay buồn.

Quỳnh Anh