HTML clipboard

- "Năm nay vợ chồng tôi mua được xe hơi nên muốn sắm cho các cụ cái lễ tươm tất một chút. Năm ngoái mua nhà lầu, SH rồi thì năm nay đổi biệt thự, xe hơi cho các cụ mừng. Sắm đủ bộ bao gồm biệt thự, xe hơi, máy giặt, điều hòa, quần áo, tiền vàng cùng với một cô osin mất khoảng 15 triệu đồng", chị này nói.

Những làng nghề sản xuất vàng mã truyền thống nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội đang tất bật vót tre, tạo khung, dán giấy. Từng chiếc xe ô tô nối đuôi nhau vào làng chuyển "thời trang âm phủ" vào Thủ đô.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Rằm tháng Bảy, các gia đình nghệ nhân vàng mã ở thôn Duyên Trường (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) tất bật hơn bao giờ hết. Để hoàn thành hàng chục đơn đặt hàng mỗi ngày, nhiều gia đình phải thức trắng đêm làm việc.

 

Làng vàng mã những ngày này tất bật hơn bao giờ hết
 

Gia đình anh Đặng Thành Công làm vàng mã gia truyền ở Duyên Trường. Mùa Vu Lan này, anh Công nhận đơn đặt hàng từ những ngày đầu tháng trước. Ngôi nhà ba tầng của anh nơi đâu cũng tràn ngập "đồ âm".

Trước đây, gia đình anh làm đủ mọi thứ từ tiền, vàng, sớ, quần áo, giầy, dép, mũ, nón đến hình nhân, xe pháo. Gần đây, khi ngày càng nhiều gia đình làm vàng mã, quần áo, tiền vàng bán chậm hơn thì nhà anh chuyển sang "chuyên canh" hình nhân.

Anh Công cho biết, các mặt hàng được đặt nhiều nhất vào dịp này là các đồ để mở phủ, lập đàn, đồ cưới cho vong như kiệu rước, quần áo, đôi cô dâu chú rể, áo cưới, xe hoa,...

"Dịp này nhiều gia đình mở phủ, lập đàn, cưới vợ cho vong, cắt tiền duyên nên hình nhân bán rất chạy. Đặc biệt là đôi cô dâu chú rể, xe loan, kiệu rước được đặt hàng nhiều. Mỗi đôi cô dâu chú rể có giá từ 1-2 triệu đồng, tùy nhu cầu của người đặt", anh Công nói.

 
Mọi thành viên trong gia đình đều được huy động "tăng ca".
Các mặt hàng được làm ngày càng tinh xảo.
 

Dù đã tăng cường thêm nhân công lên đến gần 20 người, nhưng nhiều hôm gia đình anh vẫn phải tăng ca đêm để kịp giao hàng đúng hạn.

"Nhiều cơ sở sản xuất mọc ra, nhưng với gia đình tôi thì đơn đặt hàng vẫn không giảm. Chúng tôi không bán buôn, chỉ nhận đơn đặt hàng từ chùa và các gia đình thôi cũng đã chật vật rồi", anh Công nói thêm.

Theo tìm hiểu của PV, các mặt hàng "xa xỉ" như xe tay ga, ô tô, biệt thự, máy giặt, bình nóng lạnh...vẫn chiếm phần lớn thị trường vàng mã mùa Vu Lan này. Kiểu dáng, màu sắc, kích thước của các mặt hàng ngày càng phong phú và cải tiến sao cho giống đồ thật nhất có thể.

Những “bộ sưu tập” thời trang hàng hiệu đắt tiền cũng rất hút khách bởi sự mới lạ. Với tâm lý "trần sao âm vậy", quần áo "cõi âm" cũng mang nhãn mác hàng hiệu nổi tiếng, kiểu dáng thời trang như quần bò ống côn, đầm ống, váy xẻ dây, váy quây… Cùng với quần áo còn có dép sandal cao cấp, các phụ kiện đi kèm như: kính mắt, đồng hồ, dây chuyền, hạt xoàn, khuyên tai, nhẫn, ví, túi xách, khăn thời trang các loại, mỹ phẩm…

Ngoài ra, thị trường vàng mã năm nay còn xuất hiện nhiều vật dụng mới lạ cho người cõi âm như rùa thiêng, rùa vàng, mũ kê pi bằng giấy của lực lượng công an, quân đội, iphone 4G... thậm chí cả hình nhân osin.

Theo khảo sát, giá các mặt hàng năm nay tăng khá mạnh so với năm ngoái (trung bình từ 20-30%). Quần áo thời trang giá dao động từ 50-200 ngàn/bộ tùy loại giấy và kiểu dáng, xe SH loại to từ 100-150.000 đồng/chiếc, nhà cao tầng 150 - 350 ngàn đồng...

Các loại mã tiền triệu như hình nhân cô dâu chú rể (1-2 triệu đồng/cặp), biệt thự cao tầng loại to (2-3 triệu đồng/cái), xe Mecerdes loại to (2-3 triệu đồng/chiếc)...vẫn hút khách.

 

"Đồ âm" tràn ngập ngõ xóm...
..đợi những chiếc ô tô chở vào nội đô.

"Có gia đình chỉ đốt tiền vàng với quần áo thì chỉ mất tầm ba, bốn trăm ngàn là sắm đủ lễ. Còn gia đình nào mở phủ, lập đàn thì số đồ lễ phải chuẩn bị lên đến hàng chục triệu. Như bộ đồ cúng loại bình dân để mở phủ bao gồm 1 cặp voi ngựa, 1 thuyền rồng, 1 tòa chúa, 1 mũ quan, 5 ngựa ngũ sắc cũng phải 7 triệu đồng. Mua ở làng nghề thế này được giá như giá bán buôn, chứ vào đến trung tâm thì giá khác rồi", chị Nguyễn Thị Cúc, công nhân cơ sở sản xuất vàng mã của anh Đặng Xuân Hào, thôn Duyên Trường cho biết.

Chị Cúc cho biết, vào dịp này các cơ sở sản xuất vàng mã thường nhận đơn đặt hàng từ các đại lý bán lẻ trên phố Hàng Mã. Xưởng của chị chỉ sản xuất quần áo và hình nhân nhưng vẫn nhận những đơn hàng cá nhân giá trị.

"Cái nào xưởng tự làm được thì sẽ làm, còn như xe máy, ô tô thì lại đặt các xưởng khác làm cho trọn bộ. Các đơn hàng trọn bộ thì 5-7 triệu là bình thường. Thậm chí, có những đơn hàng lên đến cả chục triệu đồng", chị Cúc nói.

"Người ta bảo như thế là lãng phí, nhưng đã nghe lời thầy phán thì phải làm đến cùng mới yên lòng được. Mà thầy cúng bây giờ vẽ ra nhiều thứ lắm, nào xe ô tô, kiệu rước, bát tiên, ông Tướng,...", chị Cúc nói thêm.

Chúng tôi gặp một cặp vợ chồng đi ô tô từ Khâm Thiên về tận làng Duyên Trường lấy hàng. Chị vợ cho biết, nhà chị là "khách quen" của làng vàng mã này. Cứ dịp lễ là vợ chồng chị lại gọi điện đặt trước, đến ngày lấy hàng chỉ việc đánh xe xuống trở về nhà.

"Năm nay vợ chồng tôi mua được xe hơi nên muốn sắm cho các cụ cái lễ tươm tất một chút. Năm ngoái mua nhà lầu, SH rồi thì năm nay đổi biệt thự, xe hơi cho các cụ mừng. Sắm đủ bộ bao gồm biệt thự, xe hơi, máy giặt, điều hòa, quần áo, tiền vàng cùng với một cô osin mất khoảng 15 triệu đồng", chị này nói.

Dù đã có luật cấm đốt vàng mã nơi công cộng, kêu gọi người dân không đốt vàng mã hoang phí nhưng số lượng đơn đặt hàng của các cơ sở sản xuất vàng mã vẫn không hề giảm.

Các cơ sở phải huy động thêm người làm, 'nghệ nhân' phải tăng ca, làm việc từ sáng tới tối mới kịp cho những chuyến xe oto chở "thời trang âm phủ" nối đuôi nhau vào nội đô.


La Hoàn