- Phật học cho rằng con người sau khi chết (linh hồn), dù đi vào “cõi” nào, cũng không hưởng lợi từ cúng tế của người trần. Việc đốt vàng mã có dạng hình nộm (kiểu như hình “ca ve”, người hầu…), theo Phật giáo là phạm tội sát sinh trong tâm tưởng.

Đạo Phật không chỉ dạy tích đức, mà còn dạy tích lũy kiến thức, để tiến hóa vào cuộc đời sau làm con người chân chính, tiến bộ, không “đi” giật lùi về kiếp súc sinh.                                

'Vũ trang' kiến thức gì cho kiếp sau?

Các cao tăng và nhà nghiên cứu Phật học đã có những dự cảm đầu năm khá chính xác. Tạp chí “Đạo Phật ngày nay” số Tết 2013 có loạt bài phê phán các hủ tục do mê tín, dị đoan.



Phật học cho rằng con người sau khi chết (linh hồn), dù đi vào “cõi” nào, cũng không hưởng lợi từ cúng tế của người trần. Kinh Pali viết: “Chúng sinh ở cảnh giới (cõi) nào, thì có sự thọ dụng theo cảnh giới đó”. Vì thế, không thể gửi các nhu yếu phẩm của cõi người (quần áo, nhà cửa, ĐTDĐ, thẻ ATM…) cho người đã sang cõi khác sử dụng[1].

Thượng tọa Thích Nhật Từ dùng lý luận trực diện phê phán tình trạng dị đoan. Quan niệm “trần sao âm vậy” không phải là triết lý đạo Phật. Đó là quan niệm dân gian Trung Quốc, truyền đời qua Nho giáo và Lão giáo, buộc con cháu còn sống phải “trả hiếu” cho người đã khuất. Dù người chết không mất hẳn, mà sẽ tái sinh vào kiếp khác, nhưng quá trình trao đổi chất nhờ các cơ quan của cơ thể đã không thể tiếp tục, nên cầu cúng linh hồn vô ích, thậm chí “phá hoại phước”, vì gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, thậm chí hỏa hoạn…

Việc đốt vàng mã có dạng hình nộm (kiểu như hình “ca ve”, người hầu…), theo Phật giáo là phạm tội sát sinh trong tâm tưởng. Những kẻ “buôn thần bán thánh” gieo rắc mê tín (gây nỗi sợ) để trục lợi, (kiểu ‘nam La Hầu - nữ Kế Đô), giật dây những cuộc “cúng sao giải hạn… Một đời sống chìm trong tiêu cực cũng gây sợ hãi trong tâm thức tới mức, chẳng hạn, đem tiền vàng mã, thậm chí tiền thật (mệnh giá 500 đồng), ném vung vãi lúc di quan, “như thể ‘lót đường’ cho quan âm phủ nhẹ tay với người chết” [2].

Số tháng 1/2013 của tạp chí trên có bài "Nỗi đau của những ngôi chùa không giảng pháp"... lên án những tệ nạn của không gian tín ngưỡng trong một số ngôi chùa ở miền Bắc. Hôm nay, người đi lễ chùa bon chen xin sớ, dâng lễ, có khi đạp cả lên người già, trẻ em. Có phụ huynh mang con về quê nhận thấy có vị mặc áo tu hành nhưng lại tham gia đánh chắn cả trong hội làng đầu năm (!) Nổi cộm những nỗ lực tỏ ra mình là ‘Phật tử”, nhưng hủy hoại văn hóa Phật giáo.

Các bậc cao tăng chỉ ra tệ mê tín là do nghiệp vô minh (sống thiếu khoa học, kém văn minh, tham – sân – si…). Nghiệp (tư duy, lời nói, việc làm) trong đời này truyền sang kiếp sau qua linh hồn. Nghiệp “xấu” thì hồn buộc phải đầu thai vào thân thể súc sinh.

Dưới góc nhìn Âu – Mỹ

Những ai từng ở Liên Xô/Nga khoảng cuối thập kỷ trước đọc báo khoa học, thấy nói các nhà bác học Nga dùng những lưới cực nhỏ mịn để bắt một cái gì đó vô hình, “quẫy quẫy”, thoát ra từ một tử thi, mà họ cho là linh hồn...



Đốt vàng mã

Thế kỷ 21 dồn dập những khám phá về tâm linh của… giới khoa học. TS Stuart Hameroff, một chuyên gia y tế, giáo sư tại Đại học Arizona trình bày công trình nghiên cứu Through The Wormhole (Qua các lối thoát ngầm, ý nói các đường ống sáng lòa mà nhiều người chết lâm sàng rồi sống lại, nói họ đã đi trong đó) trên loạt phim của kênh khoa học Science Channel và RadarOnline.com. Cùng với nhà vật lý Anh Roger Penrose, ông đưa ra lý thuyết Orch-OR (Orchestrated Objective Reduction/thu nhỏ một cách hài hòa vật thể), cho rằng sau khi chết, toàn bộ “thông tin” về đời người chuyển thành một phần của vũ trụ.

Lý thuyết Orch-OR cho rằng “hồn cốt” của con người kết cấu bởi dạng “hạt cơ bản” của vũ trụ (fabric of the universe) cao hơn là dạng nơ ron thần kinh thông thường, cho phép nó tồn tại ngoài cơ thể con người. Rằng các vi quản chứa thông tin ở trạng thái lượng tử. Khi trái tim ngừng đập, các vi quản không còn ở trạng thái lượng tử, nhưng thông tin lượng tử (chính là nhận thức/ consciousness) chứa trong vi quản người không bị tiêu hủy. Nó được sắp xếp lại và ‘bay’ vào vũ trụ. Đây là lý do nhiều người chết lâm sàng nói họ bay lơ lửng trên không trung, nhìn thấy thể xác mình, và các bác sĩ... TS Hameroff cho rằng dạng thông tin lượng tử có khả năng tồn tại ngoài cơ thể này “hẳn là linh hồn” (perhaps indefinitely as a soul).

Sách của bác sĩ phẫu thuật thần kinh, từng giảng dạy tại Havard Medical School, Eben Alexander, “Thiên đường hiện hữu: cuộc hành trình sau khi chết của một bác sĩ phẫu thuật thần kinh” (Proof of Heaven: A Neurosurgeon's Journey into the Afterlife), xuất bản năm 2008... Eben viết rằng khi ở trạng thái hôn mê, ông đã rơi vào thiên đường, nơi có những vật thể “giống như những thiên thần” bay quanh.

TS Hameroff cho rằng các dạng thức sơ khai của nhận thức con người đã tồn tại từ lâu trong vũ trụ, “chắc là từ thời Vụ nổ lớn (The Big Bang – một luận thuyết chủ yếu dựa trên định luật Hubble lý giải về nguồn gốc của vũ trụ).

Mặc dù có những phản đối, nhưng TS Hameroff cho hay chưa ai thách thức nghiêm trọng lý thuyết Orch-OR.

Nếu lý thuyết Orch-OR “đứng” được, thì niềm tin linh hồn vẫn sống sau khi thể xác đã chết được chứng thực. Một người phát ngôn cho Orch-OR, liên tưởng đến thuyết luân hồi, chia sẻ: “Tất cả những điều này gợi đến đạo Phật và Ấn độ giáo, với niềm tin rằng nhận thức là một phần không tách rời của vũ trụ, và mọi nhận thức tồn tại trong vũ trụ”.

Năng lượng tâm linh

Đạo Phật, và những lý thuyết như Orch-OR, cho rằng những năng lượng tiêu tốn để đạt kiến thức, kỹ năng thực sự không biến thành cát bụi, mà được bảo tồn cho muôn đời sau, để được giải nén lúc cần, trở thành những bậc thang tiến hóa cho nhân loại.

Nhưng nếu cố tình không nhận thức tội lỗi của mình, tìm cách chối tội, chạy tội, thì những “vết chàm” ấy cũng sẽ được bảo tồn, để có ngày chịu tác động “cưỡng bức thi hành án”, bởi Công lý của Vũ trụ.

  • Lê Đỗ Huy


[1] Bài ‘Ngày xuân nói về nguồn gốc tục dùng đồ mã’, của Minh Hạnh Đức, tr. 28 -31

[2] Bài ‘Mùa xuân không cúng sao và đốt giấy vàng mã’, tr. 80 - 83