- Là địa phương nằm sát khu vực khai thác mỏ vàng Bồng Miêu, vàng “tặc” xuất hiện tại xã Tam Lãnh cả hàng chục năm nay. Tuy nhiên, khi giá vàng liên tục lên cao và cơ quan chức năng chưa mạnh tay can thiệp thì hoạt động của vàng tặc lại càng liều lĩnh, manh động hơn.
 

Giá vàng trong nước liên tục biến động suốt mấy ngày qua đã trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi khắp nơi. Khi cơn sốt vàng thực sự lan rộng thì hàng ngàn người dân xã miền núi Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam lại đổ xô đi khai thác quặng vàng trái phép. Điều này tạo nên một cảnh hỗn loạn chưa từng có và tiềm ẩn nhiều nguy cơ chết người.


Công khai dựng lều khai thác

Đặt chân đến xã miền núi Tam Lãnh trong mấy ngày nay, một không khí khẩn trương hiện rõ trên nhiều khuôn mặt người. Từng đoàn xe máy liên tục đi vào, rồi đi ra từ phía khu vực núi Kẽm. Dù trời không thực sự nắng gắt nhưng những người điều khiển xe máy đều bịt kín mặt, chỉ để lộ 2 con mắt.

Theo một người dẫn đường, họ ngụy trang kiểu “ninja” như vậy là để... che mắt lực lượng chức năng!

Khu vực chân đồi AD1 thuộc khu vực núi Kẽm

 

Tại chân đồi AD1 thuộc khu vực núi Kẽm có hơn chục chiếc xe máy của người dân vứt lăn lóc bên đường. Ngước nhìn lên ngọn núi dựng đứng, ở độ cao chừng 250m có hàng chục chiếc lều che bạt xanh được dựng lên. Vậy là đã rõ, vàng “tặc” không ở đâu xa, nơi chỉ cách văn phòng công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu chừng 2km, cách UBND xã Tam Lãnh chưa đến 5km.

Những chiếc lêu dựng tạm bợ, chênh vênh bên vách núi. Mỗi lều gồm 7 – 10 người, trong đó đa phần là người dân địa phương. Khi thấy bóng đoàn người thấp thoáng đang cố bám từng hòn đã để leo lên ngọn núi thì hàng chục vàng “tặc” nhanh chóng bỏ lều, di chuyển lên phía trên cao.

Theo một cán bộ dẫn đường, cuộc chiến truy quét vàng “tặc” ở đây thường diễn ra theo một quy trình “ta đến thì họ đi, ta về thì họ lại đến”!


Công khai dựng lều khai thác


Tại hiện trường, mỗi túp lều được dựng lên trên diện tích từ 5 – 8 m2, cạnh đó có sẵn những vật dụng phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Đặc biệt, mỗi túp lều đều có một đến hai thùng chứa quặng xay nhuyễn (người dân địa phương gọi là thoòng) có thể tích từ 2 – 4 m3.

Quặng sau khi được khai thác trong lòng đất sẽ được xay nhuyễn và chuyển về các thùng chứa này bằng các đường ống dẫn nước. Tại đây vàng “tặc” sẽ sử dụng các hóa chất để lọc, sau đó bã quặng và dung dịch chứa vàng sẽ đi qua các bể lắng.

Theo ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, hiện có trên 40 lán trại của vàng “tặc” mọc tại 4 khu vực chính trên địa bàn xã đó là Ba Ga, suối Tre, núi Kẽm và khu vực thác Trắng. Tại đây hiện có trên 400 vàng “tặc” hoạt động ngày đêm.

Tiếng máy khoan đất, cối xay đá và tiếng cười nói của vàng “tặc” làm náo động cả một khu rừng, trông chẳng khác một đại công trường đang thi công.

Chặt đầu 3 đứa con gái nếu dám ngăn cản!


Hơn 20 năm làm bảo vệ, rồi đến Tổ trưởng tổ bảo vệ thuộc công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu, anh Võ Văn Hùng cho biết, vàng “tặc” tại đây ngày càng lộng hành, bất chấp sự truy bắt, can thiệp của cơ quan chức năng. Giờ đây, vàng “tặc” đang dần chứng tỏ sự tồn tại một cách hợp pháp của mình tại vùng đất này.

Anh vẫn còn nhớ như in cảm giác của những tháng ngày sống trong lo sợ vì bị vàng “tặc” đe dọa. Một ngày đầu tháng 3/2011, anh nhận được những cuộc điện thoại từ số máy 0978xxxxxx liên tiếp gọi đến, chúng “hứa” với anh là sẽ... chặt đầu 3 đứa con gái của anh rồi thả cho trôi sông Tam Kỳ!

“Cả đời tui gắn với cái nghề bảo vệ, nếu có thì cũng là do những vàng “tặc” trả thù vì mình dám ngăn cản chúng” - anh bảo.

Quá lo sợ cho tính mạng của những con gái mình, anh đã trình báo với cơ quan công anh nhờ can thiệp, giúp đỡ.

Vàng “tặc” tại đây ngày càng lộng hành, bất chấp sự truy bắt, can thiệp của cơ quan chức năng.


Trên thực tế, đã không ít lần vàng “tặc” liều lĩnh hành hung lực lượng bảo vệ của công ty vàng Bồng Miêu khi ngăn cản hành vi của chúng. Giờ đây, mỗi khi có lực lượng chức năng tham gia truy quét thì vàng “tặc” tạm thời rút lui, còn ngày thường thì chúng ngang nhiên vào ra khai thác quặng như chốn không người.

Theo anh Võ Văn Hùng, việc bắt giữ vàng “tặc” cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc thu giữ tang chứng, vật chứng. Mỗi khi bị làm căng, vàng “tặc” sẽ nhanh chóng tẩu tán những bao quặng rồi thản nhiên nói là vào rừng đi...chặt củi! Điều này làm cho việc ngăn cản hành vi khai thác quặng trái phép chỉ như đá ném ao bèo!

Theo ông Bùi Quang Minh, điều đáng lo ngại nhất là số lượng vàng “tặc” đang tăng nhanh, trong khi lực lượng chức năng thì ngày càng bất lực.

“Từ khi giá vàng tăng cao trong mấy năm trở lại đây, số người dân tham gia khai thác quặng vàng trái phép cũng tăng lên một cách đáng kể. Thậm chí, lao động từ các nơi khác đổ về làm thuê cho các vàng “tặc” cũng rất nhiều. giá vàng cao nên tiền công lao động cũng được trả rất cao”, ông Minh cho biết thêm.

Theo thống kê của UBND xã Tam Lãnh, hiện nay có trên 2/3 trong tổng số 7.000 dân trên toàn địa bàn xã là vàng “tặc”! 500 người trong số đó là dựng lều, ngang nhiên khai thác trên núi, số còn lại là làm tại gia.

Việc khai thác vàng trái phép sẽ thải ra một lượng lớn cyanua không được xử lí ra môi trường. Đây là hóa chất không thể thiếu trong công nghệ khai thác vàng, đồng thời cũng là hóa chất cực độc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chết người.

Phan Nguyễn

(còn nữa)