- Một biệt điện nguy nga, bề thế nằm chềnh ềnh giữa làng. Xe cộ ra vào tấp nập khiến không ít người phải tò mò. Có mục sở thị ngôi “biệt điện”, tiếp xúc với chủ nhân của nó người ta mới thấy được cả hai đều thật đặc biệt.
Dinh thự bề thế
Thật khó khăn để hỏi người dân là vào nhà 'cô Nghị' hay 'chú Nghị'. Một người đàn ông chạc tuổi 40 trả lời với giọng mỉa mai: "Vào nhà “cô” Nghị chứ gì? Cứ tìm cái nhà nào to nhất, bề thế nhất là đúng. Hơn nữa trong nhà cũng có vài anh thanh niên to con, khỏe mạnh. Cái ngưỡng đàn ông to cao là thầy chúa thích đấy!”.
Chưa dứt lời người này nói tiếp: “Cái ngữ đô con như chú chắc chắn “thầy Nghị” thích lắm, chưa biết chừng thầy còn xem và giải hạn miễn phí cũng nên. Mà có khi xem xong các chú còn được thầy giữ ở lại dùng cơm và nghỉ ngơi ý chứ”
“Thầy” tên đầy đủ là Lê Xuân Nghị, sinh năm 1960, ngụ tại xóm Hà Liễu, xã Phượng Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Lấy hết can đảm, vượt qua biết bao lời đe dọa “cẩn thận không mất xác” tại “biệt phủ” của thầy, cuối cùng thì tôi giờ cũng đứng trước “dinh thự” quá đỗi hoành tráng đang đi vào giai đoạn hoàn thành của thầy.
Thầy bói Lê Xuân Nghị. |
Từ trên tầng cao nhất rủ xuống một tấm bạt màu xanh che đi được một phần những cột sắt bê tông vẫn còn lô nhô chĩa lên trời. Trên cái nền bạt xanh là một chiếc lọng khá to, nằm rủ với màu mè dễ thấy khi tới bất kì “điện, phủ” của ông đồng, bà cốt nào.
Ngước nhìn cái công trình quá đỗi bề thế trên khoảng đất rộng hàng trăm mét vuông, với ý tưởng thiết kế mang phong cách Phật giáo này không khỏi khiến tôi ngỡ ngàng, bàng hoàng. Đứng tần ngần trước bốn bức tường gạch cao ngất cạnh cái cổng inox lạnh lùng, im ỉm một lúc rồi í ới gọi.
"Biệt phủ" của thầy Lê Xuân Nghị nhìn từ xa. |
Đích thân Lê Xuân Nghị ra mở cửa. Có lẽ những ai là “thầy, cô” như “thầy Nghị” đây đều thích tạo cho con nhang đệ tử cái cảm giác kỳ quái, rùng rợn khi vào làm việc của các thầy? Với tâm thế ấy nên tôi chẳng thấy lạ với mái tóc bù xù, lạ lẫm chẳng khác gì tổ quạ hay mốt tóc của những người còn sót lại của thập niên 90 giữa thế kỉ XXI này.
Sau vài cậu dạm hỏi thăm dò, “thầy” quắc thắc: “Sao mày biết tao mà tìm đến?” Được dịp, tôi mớm lời ngon ngọt: “Tiếng thầy giỏi như thế ai mà không biết ạ? Thầy cũng được thể xướng mình sang…tận châu Mỹ: “Ăn thua gì. Tao nổi tiếng sang tận Mỹ, chứ Việt Nam nói làm gì”.
Từ cổng ngoài đi vào nhà “thầy”, qua khoảng sân chật hẹp là khu hóa vàng. Rẽ tay phải là khu điện chính. Nơi đây tập hợp đến cả trăm pho tượng được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao. Phía dưới cùng, hai ông tượng La Hán, có thể vì do chật chội, hoặc giả do không có chỗ bày biện, thầy bèn sắm hai bức tranh có hai ông hộ pháp để đặt hai bên.
Đi qua gian điện thờ chính giữa nhà là vào tới phòng khách rộng chừng 40m2 cũng đồng thời là nơi “thầy” làm việc với khách hàng. Độ hơn chục manh chiều được trải trên nền nhà. Góc tường, một chiếc két sắt. Một chiếc ca-táp với hàng xấp tài liệu dày cộm, nhìn qua thấy cuốn sổ đã vàng ố.
Tôi đồ chắc đó là “danh sách” các khách hàng qua nhiều năm thầy Nghị hành nghề. Trên tường, chiếc tivi màn hình phẳng 42 inch mới tinh đang bật một bộ phim hành động.
Thành “thánh” sau khi chuyển giới
Khi bước vào phòng khách hình ảnh ấn tượng nhất là hai bức ảnh thầy Nghị ăn mặc kiểu đồng cô, lễ phục khá điệu đà, môi tô son, lông mày tỉa vút và ánh mắt mơ màng đầy... nữ tính.Thấy chúng tôi tỏ vẻ thích thú với bức ảnh, thầy Nghị buông lời lả lơi: “Bức này là hôm thầy đi hát bên Thái Bình đó, thầy được cả giải cơ đấy, nhìn thầy được đấy chứ?!…”. Không bất ngờ vì đã được cảnh báo trước, thầy Nghị mang đậm chất nữ tính. Từ dáng đi, điệu bộ, trang phục và cả bộ móng tay để dài cong và trắng ngà.
Gian thờ chính bên trong "biệt điện". |
Tiếng tăm về chất 'nữ tính' của thầy Nghị có lẽ cũng bay xa cùng với cái tài xem bói. Ông Nguyễn Hải Trưng (Chủ tịch UBND xã Phượng Liễu) nửa đùa nửa thật chia sẻ: “Trước đây Nghị cũng là người bình thường, còn là phó chủ nhiệm HTX. Nhưng khi đi bộ đội về không hiểu sao Nghị có dấu hiệu chuyển giới. Nghị dần chán nản và xa lánh vợ. Cái ngày mọi người thấy Nghị có dấu hiệu chuyển giới, bà con thấy được cuộc sống “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” của gia đình Nghị”.
Lối vào "biệt phủ thầy Nghị". |
Ngồi kế bên với ông Trưng là ông Nguyễn Công Nguyên (Trưởng công an xã) cười nhạt nói: “Nghị có 3 người con, đều thành đạt và học hành đến nơi đến chốn. Không hiểu tại sao tự nhiên thấy chán vợ, hiện đã ly thân. Quả thực cũng nghe dân đồn nhiều về vị thầy “nửa trống nửa mái này”, nhiều thanh niên đẹp trai to cao đến đây xem bói đã bị thầy gạ tình. Xem tay, xem số rồi vuốt ve, sàm sỡ khiến người ta thấy khiếp đảm”.
Cứ như vậy, hàng chục năm nay với “tài” xem bói ngày sinh, tháng đẻ “nhất tỉnh Bắc Ninh” cộng với tính khí “nửa trống nửa mái”, tiếng tăm của Lê Xuân Nghị đã bay cao bay xa. Cứ nhìn vào cái dinh thự, những tay chân phục vụ và số lượng khách đến xem bói sẽ thấy được bao năm nay thầy Nghị đã thu được bộn tiền của những người nhẹ dạ đến mù quáng.
Kiên Trung – Quang Anh
(còn nữa)