Gây tâm bão dư luận 24 giờ qua là hình ảnh chị Xuyến ở Kiến Thụy (Hải Phòng) ngồi thất thần trước sạp thịt lợn bị hắt dầu luyn trộn chất thải, nước cống đen ngòm, hôi thối. Chỉ vậy thôi cũng đủ để dấy lên một làn sóng phản ứng dữ dội những kẻ táng tận lương tâm, sẵn sàng đạp đổ người khác... dù họ đang ở trong cảnh bần cùng nhất.
Đặt sự việc trong bối cảnh cả nước đang chung tay lo giải cứu đàn lợn cho bà con nông dân trước thảm cảnh giá thịt giảm chưa từng có, mới thấy rằng, hành động trên, dù biện minh bằng bất cứ lý do gì, cũng đáng bị lên án.
Đồng cảm với chị Xuyến, với những người chăn nuôi đang “lỗ chổng vó”, nợ nần trắng tay, mất ngủ vì đàn lợn, nên dễ hiểu là sự việc trên đã đổ thêm dầu vào lửa, khiến mọi người phẫn nộ và đòi trừng phạt kẻ có hành vi bất nhẫn.
Trên thực tế, chuyện dùng chiêu bẩn trong cạnh tranh, hay còn gọi là cạnh tranh bẩn, không phải là hiếm ở Việt Nam.
Sạp thịt sạch bị đốt, bôi sơn bẩn ngay khi mở bán |
Mới đây nhất, hồi giữa tháng 4, một cửa hàng bán thịt lợn an toàn ở chợ Tân Uyên, thị xã Bình Dương, vừa khai trương đã bị đốt phá, sơn đen bôi bẩn.
Chỉ vì quán thịt sạch của bà Ngô Thị Kim Hương (52 tuổi) hút khách, nhiều tiểu thương cũng có ý định đăng ký để cùng kinh doanh mà ban đầu, quầy bị đốt, sau đó bị phá hoại bằng cách dùng sơn đen xịt lên các bảng hiệu, bàn, kệ,...
Tuy sự việc chưa gây thiệt hại nhiều, nhưng cũng đủ khiến bà Hương sợ hãi, hoang mang, không dám bán tiếp. Trong khi, rõ ràng, việc làm của bà đã góp phần đem nguồn thực phẩm sạch đến gần hơn với người tiêu dùng trong bối cảnh ai cũng e sợ thịt bẩn như hiện nay.
Hay, chỉ vì đưa lợn đảm bảo tiêu chuẩn VietGap ra bán tại chợ Hòa Bình, TP.HCM vào tháng 10/2016, mới bán được vài ngày, các quầy thịt của Công ty TNHH An Hạ đã bị chèn ép. Những tiểu thương bán thịt lợn tại chợ đã buộc công ty phải tháo băng rôn quảng cáo, gỡ bỏ hình ảnh có chữ “thịt sạch” dán tại sạp. Bảng giá cũng bị ép phải làm thật nhỏ, khó nhìn.
Nguyên nhân sự việc là do nghe tin thịt lợn VietGap có giá ngang thịt thông thường, người dân ở các quận, huyện xa cũng phải đi thật sớm tìm mua.
Vì thế, các tiểu thương xung quanh, thật “ngây thơ”, cũng lập tức gắn bảng “thịt sạch” và không ngại mồm giới thiệu mình cũng bán… lợn VietGap.
Một chiêu “bẩn” khác cũng được các tiểu thương thiếu hiểu biết dùng đến, đó là thuê giang hồ dặt mặt đối thủ, từ đốt quán, đập phá, thậm chí đánh nhau,... Lý do cũng chỉ vì quán mới đông khách hơn, ăn nên làm ra hơn.
Vụ thông tin nước mắm nhiễm asen vô căn cứ, gây xôn xao dư luận năm ngoái cũng là điển hình chiêu trò cạnh tranh bẩn, triệt hạ đối thủ đã bị bóc mẽ.
Hay, năm 2011, thực khách ở nhiều tỉnh bỗng hoang mang tột độ khi có thông tin, rượu Vodka Men (thuộc Công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Aroma) bẩn như nước cống. Đối thủ của công ty này, công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam, chủ sở hữu nhãn hiệu rượu Vodka AvinaA, đã cho nhân viên test chất lượng 2 loại rượu bằng phương pháp điện phân.
Kết quả, cốc rượu Vodka Men bị vẩn đục, chuyển màu đen, hàm ý nhiễm kim loại nặng; riêng Vodka AvinaA vẫn nguyên màu trong suốt.
Cơ quan chức năng sau đó kết luận, việc test rượu bằng điện phân là không có cơ sở. Đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật. Nhưng, chính thủ phạm, ông chủ rượu Vodka AvinaA, cũng thừa nhận sản phẩm của mình đã bị đối thủ chơi xấu từ trước đó, như đổ nước vo gạo vào rượu, bỏ muối vào rượu trước khi kiểm tra chất lượng.
10 năm trước, vụ việc nước tương chứa chất 3-MCPD - chất được cho là có nguy cơ gây ung thư - nhằm “hạ gục” những nhà sản xuất nước tương truyền thống, khiến hàng chục doanh nghiệp phải đóng cửa.
Hình ảnh chị Xuyến thất thần bên phản thị bị hắt dầu luyn trộn nước thải |
Trở lại câu chuyện của chị Đỗ Thị Xuyến.
Thông tin mới nhất, thủ phạm hắt dầu luyn trộn chất thải, nước cống lên thịt lợn của chị là mẹ con bà Vinh, tiểu thương bán thịt lợn 20 năm tại chợ Lương Văn Can (Hải Phòng). Toàn bộ số thịt gần 100kg của chị đã phải đổ bỏ.
Tiếc thịt lợn một phần, tiếc nhiều hơn cả tình người, tình đồng loại với nhau. Trong cơn cùng quẫn, khốn khó của nhiều nông dân vì “khủng hoảng thừa” lợn, chỉ vì chút lợi nhuận mà có tiểu thương sẵn sàng dùng chiêu bẩn để triệt hạ bà con.
Qua đó, một lần nữa thấy rằng cần xem xét lại lợi ích của tiểu thương - khâu trung gian - đối tượng đang bị coi là “ăn” nhiều nhất trên mồ hôi của phần lớn người trồng rau, nuôi lợn ở Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng nên quy định rõ: khâu vận chuyển, giết mổ chỉ "được phép" lãi ngần này, khâu bán lẻ chỉ "được phép" lãi chừng này.
Rất may, người chăn nuôi như chị Xuyến đã bớt đơn độc khi sáng nay (12/5), các bà nội trợ đã rủ nhau đến mua thịt ủng hộ chị Xuyến. Hy vọng, đàn lợn đến lứa hơn 10 con của chị bán hết, bán được giá, để chị bớt thua lỗ.
Nhưng, kỳ vọng hơn cả, là hết cảnh người nông dân đơn độc, phụ thuộc, dễ bị tổn thương, bị chèn ép như hiện nay.
Ng.Hà