- Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 được người dân kỳ vọng rất nhiều vì có sứ mệnh mở rộng, hiện đại hoá cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Ngoài việc CII thu phí, câu chuyện về dự án này là một hành trình ì ạch.
Sai phạm từ giai đoạn 1
Dự án cầu đường Bình Triệu 2 được giao cho Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) đầu tư theo hình thức BOT. Công trình được khởi công từ năm 2000 và Cienco 5 đã hoàn thành một số hạng mục như: xây mới cầu Bình Triệu 2, nâng cấp mở rộng các tuyến đường xung quanh bến xe miền Đông.
Theo dự án ban đầu mà Cienco 5 đảm nhiệm, chủ đầu tư này sẽ phải xây dựng cầu Bình Triệu 2, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã năm Đài liệt sĩ (quận Bình Thạnh) đến ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức), mở rộng đường Ung Văn Khiêm (đoạn từ ngã năm Đài liệt sĩ đến cầu Sài Gòn), xây dựng nút giao thông Nguyễn Xí – Đinh Bộ Lĩnh và nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ... Tổng vốn đầu tư dự án là 341,9 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn tất sau 2 năm thi công.
Vụ tai nạn trong đầu tháng 7 vừa qua trên cầu Bình Triệu khiến giao thông ùn tắc. |
Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 lúc bấy giờ được ví như “sứ mệnh” giải cứu ùn tắc cửa ngõ phía Đông và tạo nền tảng hạ tầng cho các dự án đường sá ở khu vực sau này. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, dự án bị phát hiện sai phạm hàng loạt.
Tháng 11/2002, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thanh tra thành phố về tiến độ thanh tra các vụ việc nổi cộm, đặc biệt là cuộc thanh tra quản lý đầu tư xây dựng được xem có quy mô lớn, trong đó có dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2.
Vào thời điểm này, đoàn thanh tra đã phát hiện việc thi công công trình chưa có hồ sơ thiết kế kỹ thuật di dời lưới điện trung thế được duyệt nên đã để xảy ra sự cố đứt 4 đường dây điện, gây mất điện toàn bộ khu vực; bề rộng mặt đường đã thi công tại một số vị trí không đạt yêu cầu so với thiết kế kỹ thuật được duyệt.
Chưa kể, việc thi công, lắp đặt 83 bồn hoa gây cản trở lưu thông, mất vẻ mỹ quan. Tiến độ thực hiện công trình chậm, không hoàn thành đúng kế hoạch, dự kiến đến ngày 1/12/2002 phải kết thúc giai đoạn 1 nhưng đến đến thời điểm thanh tra chỉ mới đạt 30% khối lượng theo hồ sơ thiết kế.
Vừa mới đây, tại một hội thảo quan trọng quy tụ nhiều chuyên gia giao thông trong và ngoài nước, có mặt đại diện Bộ kế hoạch đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM và cả Tổng giám đốc CII- chủ đầu tư dự án đương thời, giai đoạn 1 của BOT cầu đường Bình Triệu 2 được khẳng định là một “sự thất bại”.
Giai đoạn 2 ì ạch 7 năm
Đến năm 2003, thành phố lại chủ trương mở rộng quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước lên 53m thay vì 32m. Theo tính toán của Cienco 5, khi thay đổi như trên sẽ khiến vốn đầu tư tăng hơn 5 lần vượt khả năng của chủ đầu tư.
Do đó, đến năm 2004, sau khi xây dựng xong cầu Bình Triệu 2 thì Cienco 5 đã bàn giao lại dự án này. Năm 2005, UBND TP giao lại dự án này cho CII làm chủ đầu tư, thực hiện giai đoạn 2 của dự án cầu đường Bình Triệu 2.
Ô tô đi qua trạm thu phí cầu Bình Triệu 2, được lập từ thời Cienco 5 làm chủ đầu tư. |
Thế nhưng, mãi 2 năm sau CII mới trình thẩm định điều chỉnh dự án cho thành phố xem xét. Theo điều chỉnh này, tổng vốn đầu tư cho dự án tăng lên đến 3.493 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn đầu tư ban đầu, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng.
Sau đó, các đơn vị liên quan lại tiếp tục bàn thảo, thay đổi thiết kế, nghiên cứu ảnh hưởng của dự án và mãi đến năm 2009 mới khởi công một hạng mục nhỏ trong dự án là tiểu dự án mở rộng cầu Bình Triệu 1.
Cuối năm 2010, trong một văn bản được xem là “bật đèn xanh” cho phía CII, Sở giao thông vận tải TP.HCM báo cáo thành phố: “Hiện nay, xét tổng thể dự án cầu đường Bình Triệu 2 có tổng mức đầu tư hơn 7000 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên, các tiểu dự án có thể triển khai xây dựng một cách độc lập, có mức đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của thành phố (nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng)”.
Theo ông Bùi Xuân Cường- Phó giám đốc Sở GTVT “để đảm bảo tính pháp lý của dự án, Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ toàn bộ tình hình triển khai dự án, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chính phủ chấp thuận quy mô điều chỉnh dự án và cho phép thành phố triển khai thực hiện từng tiểu dự án độc lập, nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả dự án”.
Đến tháng 07/2011, UBND TP.HCM mới chấp thuận chủ trương cho CII triển khai thực hiện giai đoạn 2 của dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2. Tính đến thời điểm hiện nay, dự án đã kéo dài được 12 năm và vẫn đang… dang dở. Trong đó, các ban ngành thành phố và chủ đầu tư mất 7 năm để bàn thảo về dự án này trên…giấy.
Minh Dũng