HS Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) trong ngày tựu trường. Ảnh: Hương Giang |
Công bố giảm tải trước ngày khai giảng
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, sau khi công bố hướng dẫn dự thảo về việc giảm tải chương trình SGK, Bộ đã nhận được hơn 100 thư góp ý.
“Chúng tôi đã tập hợp, trình lên Bộ rà soát lần cuối. Trước 3/9, Bộ sẽ ban hành công văn hướng dẫn”.
Trước câu hỏi giảm tải có chấm dứt được tình trạng dạy thêm, học thêm rồi chuyện thi cử có vất vả, theo ông Chuẩn: “Phần nào không dạy sẽ không kiểm tra. Còn cho con học thêm, có cha mẹ muốn bổ sung kiến thức cho con, có người gửi để mong con được quản lí tốt hơn, có người mong học nhiều hơn mức độ yêu cầu. Việc giảm tải chính là bước đi để dần dần nâng cao chất lượng giáo dục”.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT bổ sung:
"Giảm tải là giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục cho phù hợp hơn. Có ý kiến nhận được chúng tôi tiếp thu, có ý kiến giải thích, nhưng có ý kiến tiếp thu nhưng chưa thực hiện được ngay. Quá trình này phải tiếp tục hàng năm và có lộ trình".
Hiện nay, cùng với việc giảm tải những kiến thức nặng trong sách giáo khoa thực hiện hàng năm, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị cho đề án lớn, đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông tới năm 2015 với kinh phí dự kiến hơn 70.000 đồng.
Thứ trưởng Hiển giải thích: "Chương trình đang tiếp tục được thực hiện, nghiên cứu và hoàn thiện, nhưng chắc chắn sẽ được ban hành sau khi Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Chúng ta có dự kiến chi 73.000 tỷ đồng nhưng không phải chỉ để cho viết sách, toàn bộ là để dành phân ra cho gần 30.000 trường phổ thông, mỗi trường được hơn 2 tỷ đồng thì cũng không phải nhiều".
Lạm thu: Bộ mong phụ huynh giúp
Xung quanh chuyện lạm thu trong trường học, ông Hiển khẳng định lại một lần nữa: “Ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh người học không phải đóng khoản gì khác. Tuy nhiên chúng ta khuyến khích các nguồn hỗ trợ khác nhau cho đào tạo.
Hiện ngân sách chi cho các nhà trường nhìn chung không đảm bảo tỉ lệ 80:20. Nếu ai đó tự nguyện giúp cho nhà trường thì rất đáng hoan nghênh. Tự nguyện là không ép buộc. Bằng bất cứ hình thức nào mà ép buộc tự nguyện thì đều sai.
Bộ đã có nhiều hướng dẫn và đặc biệt mong các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lí sai phạm. Bộ cũng khuyến khích mong nếu được thì có đóng góp các bác phụ huynh tự tổ chức thực hiện, nhà trường chỉ giới thiệu nhu cầu. Hội phụ huynh, cha mẹ học sinh tự thực hiện và quản lí thu chi công khai, đảm bảo cho hiệu quả.
Sắp tới, Bộ có 2 việc chính: Trong công văn mới đây, Bộ quy định về 2 khoản không được hỗ trợ từ khoản đóng góp của cha mẹ học sinh: Một là không được hỗ trợ cho việc dạy và học. Không được dùng tiền thu góp đó thưởng cho cán bộ giáo viên. Thứ hai, Bộ cùng các địa phương đổi mới việc thanh, kiểm tra, làm thế nào kết nối được thông tin từ các nhà trường để chỉ đạo cho sát sao”.
Giám đốc Sở chủ động tổ chức thi tốt nghiệp
"Bộ GD-ĐT đã quyết định giao cho giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh thành chủ động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 để phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, miền”, ông Trần Văn Nghĩa - phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - cho biết như vậy trước câu hỏi của VietNamNet về kỳ thi cuối cấp này.
Ông Nghĩa giải thích thêm, ngay sau kỳ thi tốt nghiệp, cụ đã đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của việc này, đồng thời đề xuất những điều chỉnh cần thiết cho kỳ thi năm tới trên tinh thần phân cấp mạnh hơn cho các địa phương.
Theo đó, giải pháp “thi cụm” đã được áp dụng mấy năm qua có thể sẽ vẫn áp dụng trong phạm vi tỉnh thành, nhưng cũng có thể không áp dụng nữa tùy vào sự chủ động của địa phương.
Việc "chấm chéo" cũng sẽ chấm dứt giữa tỉnh này với tỉnh khác, mà chỉ duy trì trong từng địa phương.
"Giao sự chủ động nhiều hơn cho các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu cao hơn trách nhiệm của người đứng đầu ngành GD-ĐT các tỉnh thành" - ông Nghĩa nói.
Việc dạy kĩ năng sống, trong đó đặc biệt là dạy bơi lội trong nhà trường hiện đã được Bộ tiến hành ra sao?
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên: Về phòng chống tai nạn, thương tích trong đó có tình trạng đuối nước với thực trạng cơ sở vật chất và giáo viên còn nhiều khó khăn. Năm qua, Bộ đã phối hợp thực hiện thí điểm cùng các tổ chức quốc tế dạy bơi an toàn cho trẻ em. Hiện đang dạy bơi an toàn cho trẻ em tiểu học tại Đà Nẵng. Đến nay, sau 3 năm đã tạo điều kiện cho 10 trường tiểu học có bể bơi đơn giản, di động và dạy được cho gần 10000 học sinh tiểu học biết bơi.
Hè vừa qua, từ 15-20/7, Bộ kết hợp với Bộ LĐTB-XH lớp tập huấn dạy bởi cho các giáo viên khối các trường tiểu học tại Hải Dương. Tháng 10 sắp tới sẽ mở rộng ở TPHCM và tỉnh Lâm Đồng. Hiện tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 18 bể bơi, 8 trong số (ở các huyện) đó đã được đưa vào sử dụng, các địa phương ở đây cũng đã tăng cường tập huấn cho đội ngũ thầy cô giáo cũng như mời các chuyên gia hỗ trợ thêm. |
- Văn Chung