Trong nỗ lực kéo gần lại khoảng cách về mức đọc sách của nông thôn và thành thị, một số nhóm thiện nguyện, quỹ phi lợi nhuận đang lặng lẽ gom hàng triệu cuốn sách, kêu gọi ủng hộ mở không gian đọc ở những vùng sâu nhất tại các tỉnh nghèo nhất nước.
Theo chương trình Hạt mầm xanh trong năm 2017 của diễn đàn nhiếp ảnh Saigonphoto.net, 2 thư viện sách tổng giá trị 50 triệu đồng đã được trao cho học sinh Trường Tiểu học Phú Đức A (huyện Tam Nông) và Trường Tiểu học Phương Thịnh 2 (huyện Cao Lãnh); mỗi thư viện có hơn 1.000 quyển truyện tranh, truyện đọc, kiến thức bách khoa.
Chương trình còn trao cho mỗi trường 500 quyển sách truyện của nhà xuất bản Kim Đồng tài trợ và 1.100 quyển tập cho 2 trường (trị giá 2,5 triệu đồng). Được biết, từ lúc triển khai đến nay, chương trình Hạt mầm xanh đã trao tặng 25 thư viện cho các trường vùng sâu, vùng xa ở nhiều tỉnh trên cả nước.
Niềm vui sách mới của trẻ em vùng cao
Trong năm 2017, một nhóm thiện nguyện khác tại TP.HCM, có tên Hạt Cát Vàng, đã phối hợp với tịnh xá Ngọc Tâm ở Long An tài trợ 2 tủ sách phục vụ 800 học sinh hai trường tiểu học vùng xa tại xã Hậu Thạnh Tây (huyện Tân Thạnh) và xã Thạnh Hưng (huyện Tân Hưng, Long An). Tính đến nayHạt Cát Vàng đã mở được 45 tủ sách trên cả nước, từ đảo Cù Lao Chàm cho đến những làng quê nghèo ở Nam Định.
Tại Bình Thuận, một nhóm cựu học sinh và phật tử cũng đang vận động nhau góp sách chuyển về huyện Bắc Bình, thành lập các tủ sách tư nhân tại một số gia đình và khuyến khích các bạn trẻ trong thôn xóm... đến đọc. Hiện tủ sách đã thành lập bước đầu tại thị trấn Chợ Lầu.
Cũng nhằm góp phần thổi luồng ánh sáng tri thức từ sách đến vùng sâu, gần 4 năm nay, các tình nguyện viên Giấc mơ Việt Nam không quản ngại đường xa, mang tới hàng nghìn cuốn sách, hàng trăm tủ sách và những tiết học vui nhộn cho trẻ em miền núi có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái...
Gần 5 năm nay, các đoàn viên Liên chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật (ĐH Thương mại) cũng luôn tất bật với việc vận động, thu gom, phân loại và xây dựng những tủ sách cho các học sinh xã nghèo. “Xây dựng tủ sách cho xã nghèo” của đoàn viên ĐH Thương Mại được công nhận là một trong những mô hình tình nguyện tiêu biểu của tuổi trẻ Thủ đô sau một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá của bà Vũ Dương Thúy Ngà- Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch), việc mở thư viện vô cùng giá trị trong việc xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ, thổi luồng ánh sáng tri thức đến cộng đồng, nhất là khi mua sách cho con đọc là việc xa xỉ với hầu hết các gia đình vùng sâu, vùng xa, đều đang rất khó khăn về kinh tế”.
Q. Hiếu - Hoàng Oanh