Việt Nam đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang Anh với thị phần còn khiêm tốn, chỉ 0,42%. "Tuy nhiên dư địa cho gạo Việt Nam tại Anh còn có thể mở rộng nhờ cộng đồng gốc Việt 100.000 người và nhờ Quy chế hạn ngạch thuế quan trong UKVFTA", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Anh khẳng định.

Số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Anh cho thấy tổng giá trị nhập khẩu gạo từ Việt Nam đã tăng trong các năm 2020 và 2021.

Năm 2020, trước khi UKVFTA có hiệu lực, gạo Việt Nam xuất sang Anh tăng gấp đôi, từ 1.296 tấn năm liền kề trước đó lên 3.396 tấn (trị giá 2.670.000 USD). Trong năm 2021, khối lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam giảm 20% trong bối cảnh chung nhiều nước cũng vậy.

Tuy nhiên, khối lượng gạo nhập khẩu vào Anh trong năm 2021 đột nhiên giảm 15% từ 762.526 tấn (2020) xuống còn 651.803 tấn. Trị giá tương ứng giảm 8% từ khoảng 520,6 triệu USD xuống 574,7 triệu USD (ICT Statistic).

Gạo ST25 đã có mặt tại thị trường Anh

Không chỉ với Việt Nam mà nguồn cung từ Đông Nam Á có hiện tượng giảm rất mạnh. Trong đó, gạo từ Thái Lan giảm 43%, Myanmar giảm 63%, Campuchia giảm 51%. Số lượng gạo nhập từ Việt Nam giảm 20% từ 3.396 tấn xuống còn 2.731 tấn.

Số lượng nhập khẩu gạo giảm, song giá trị xuất khẩu gạo lại tăng. Giá trị nhập khẩu gạo của Anh năm 2021 đạt 2.764.000 USD, tăng 4% so năm 2020 nhờ đơn giá tăng. Trong số các nước Đông Nam Á xuất khẩu gạo sang Anh, Việt Nam có đơn giá bình quân cao nhất (1.012 USD/tấn), trong khi đơn giá bình quân gạo Thái Lan, Campuchia và Myanmar lần lượt là 999, 991 và 502 USD/tấn.

Ngược lại với nguồn cung sụt giảm từ Đông Nam Á, có bốn nước tăng cường xuất khẩu gạo sang Anh trong năm 2021 gồm Hà Lan tăng 22.396 tấn, tương đương +67% (đơn giá 696 USD/tấn), Achentina tăng 5.194 tấn, tương đương 68% (đơn giá 569 USD/tấn), Ấn Độ tăng 2% và Pakistan tăng 1%. Người tiêu dùng gạo ở Anh chủ yếu là cộng đồng gốc Á trong đó đông nhất nhì là cộng đồng người Ấn Độ và Pakistan. Nhờ đó, thị phần gạo Ấn Độ và gạo Pakistan chiếm tỷ trọng cao tới 27% và 20%.

Loại gạo được sử dụng nhiều nhất ở Anh hiện nay là gạo Bastima với các thương hiệu dẫn đầu như sau: Suma White Basmati Rice; Laila Basmati Rice; Daawat Ultima Extra Long Grain Basmati Rice; Tilda Gluten Free Pure; Easy Cook Basmati Rice; Elworld Agro & Organic White; Yum Asia Super Kernel Premium Basmati Rice; Daawat Extra Long Basmati Rice.

Đối với tiêu chuẩn gạo ngon tại Anh, mặc dù không có khái niệm nhất quán về gạo ngon vì mỗi loại gạo đều gắn với thị hiếu tiêu dùng của từng cộng đồng sắc tộc. Nhưng thị trường Anh có một số tiêu chuẩn chung cho gạo ngon như hạt gạo có chiều dài từ 7mm trở lên; hạt gạo có hàm lượng đạm khoảng 10-11%; hạt gạo khi nấu thành cơm phải dẻo, mềm, không dính và thơm. Ngoài ra, gạo phải sạch và không có tồn dư hóa chất hay chất bảo quản.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Anh, gạo Việt Nam ở Anh chủ yếu được bán cho cộng đồng người Việt Nam và một phần cộng đồng người Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines.

Các thương hiệu gạo Việt Nam phổ biến tại Anh là Golden Lotus Premium Jasmine Rice, Longdan Rice và Buffalo Saigon Fragrant Rice (bán tại Longdan supermarket); Buffalo Brand Northern Vietnam Glutinous Rice (bán tại Tradewind).

Thương vụ Việt Nam tại thị trường Anh khuyến nghị, Việt Nam hiện đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang Anh với thị phần chỉ có 0,42%. Dư địa cho gạo Việt Nam tại Anh còn có thể mở rộng nhờ cộng đồng gốc Việt Nam 100.000 người và nhờ Quy chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA). Tuy nhiên, để biến tiềm năng này thành hiện thực thì người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần áp dụng triệt để trên diện rộng Global G.A.P đồng thời đẩy mạnh sản xuất gạo thơm chất lượng cao. Cục trồng trọt, Cục bảo vệ thực vật và Chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn cần triển khai các Chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo trước khi xuất khẩu.

Nhận định về xuất khẩu lúa gạo năm 2022, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.

“Năm 2023 tiếp tục là năm khả quan với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì gạo là lương thực thiết yếu mà quốc gia nào cũng cần, trong khi nguồn cung gạo của nhiều quốc gia bị thu hẹp lại do biến đổi khí hậu”, ông Nam nhấn mạnh.

Cùng với thuận lợi, xuất khẩu gạo cũng sẽ đối diện với khó khăn về nguồn vốn và room tín dụng, đồng thời tiếp tục duy trì cả thị trường truyền thống lẫn thị trường mới. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các bộ, ngành đề xuất tháo gỡ khó khăn đối với các gói tín dụng cho vay sản xuất, xuất khẩu nông sản với Chính phủ. Về mặt thị trường, Bộ sẽ cùng Bộ Công Thương hỗ trợ, tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại đi các thị trường mới, trọng điểm như Trung Đông, EU… Bên cạnh đó, ngay tại nội địa, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều hội thảo kết nối giao thương trực tiếp cho doanh nghiệp với nhà nhập khẩu quốc tế.

Bảo Phùng, Lê Thúy, Công Sáng