Các nhà khoa học cho rằng việc mực nước biển ngày càng dâng cao là do tần suất dày đặc của các đợt triều cường khiến thành phố du lịch 1.600 năm tuổi của Italy dần chìm xuống.
Du khách đi ủng lội nước tham quan Venice |
Nhưng bất chấp lụt lội, nhiều du khách vẫn vui vẻ khám phá Venice, thậm chí còn ung dung thưởng thức đồ uống tại những quán cà phê ngoài trời.
Bất chấp lụt lội, hai vợ chồng du khách này vẫn ung dung thưởng thức cà phê ngoài trời |
Venice là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu do địa hình độc đáo cùng với 117 kênh đào chảy khắp thành phố này.
Rất đông khách du lịch vẫn tập trung trước Quảng trường thánh Mark |
Theo một nghiên cứu do Liên minh Khoa học Địa chất châu Âu công bố vào tháng trước, kịch bản tồi tệ hơn sẽ xảy tới với Venice khi mực nước biển được dự đoán sẽ dâng cao thêm gần 1 mét vào cuối thế kỷ này.
Con số này cao hơn 50% so với mức trung bình của mực nước biển dâng toàn cầu. Hội đồng Khoa học của Liên Hợp Quốc dự báo, trường hợp tồi tệ nhất cũng có thể xảy ra.
Venice là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu |
Số phận của các thành phố ven biển như Venice là tâm điểm chú ý của các nhà khoa học khí hậu và các nhà lãnh đạo toàn cầu đang tham dự hội nghị Cop26 về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Glasgow, Scotland.
Sự giao thoa giữa kênh rạch và kiến trúc của thành phố là một trong những lý do khiến Venice được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO bên cạnh giá trị phổ quát nổi bật khác. Tuy nhiên, tổ chức này cũng đã từng cảnh báo sẽ tước bỏ danh hiệu nếu chính quyền nước này không có những động thái cần thiết bảo vệ hệ sinh thái nơi đây.
Tình trạng ngập lụt diễn ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng |
Đầu tháng 8 năm nay, tất cả các tàu du lịch cỡ lớn đều bị cấm cập cảng trung tâm lưu vực Quảng trường Thánh Mark nhưng những nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn rất nhiều.
Vương Cung Thánh đường Thánh Marco lênh đênh giữa biển nước |
Nằm ở vị trí thấp nhất của Venice, Vương Cung Thánh đường Thánh Marco là nơi thấy rõ nhất mức độ ảnh hưởng của mực nước biển. Phía bên ngoài trước quảng trường, nước ngập khoảng 76 cm, vào tới khu vực nhà thờ có những chỗ ngập tới 86 cm dù đã được gia cố nâng lên thêm 65 cm từ trước đó.
Các di sản cũng như kiến trúc cổ của thành phố 1.600 tuổi này đang bị đe dọa |
Trao đổi với AP, đại diện Vương Cung Thánh đường Thánh Marco, Carlo Alberto Tesserin cho biết 'tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn kể từ sau trận lũ lụt hồi tháng 11/2019. Và từ đó tới nay, tình trạng này tiếp diễn ngay cả khi không có trận lũ nào quá lớn nữa'.
Hệ thống đê điều của Venice chưa phát huy được tác dụng |
Trong hai thập kỷ qua, đã rất nhiều lần Venice bị ngập tới gần 1 mét. Thậm chí, có những trận lũ đặc biệt khiến nơi đây ngập tới 1.4 mét. Con số kỷ lục này đã được ghi nhận tới 25 lần kể từ năm 1872.
Người dân và du khách 'khốn đốn' mỗi mùa triều cường lên |
Jane Da Mosto, Giám đốc Điều hành của We Are Here Venice, cho biết 'Những gì đang xảy ra hiện nay khiến người dân Venice dần quen với việc sống chung cũng lũ lụt mỗi năm và vấn đề khủng hoảng khí hậu được quan tâm hơn bao giờ hết. Chúng tôi đang phải trực tiếp đối mặt với nó và cần có các giải pháp ngay từ hôm nay'.
Lụt lội đã trở thành 'đặc sản' ở Venice |
Hệ thống đê điều bảo vệ của Venice đã tiêu tốn gần 7 tỷ đô la nhưng cho tới nay vẫn bộc lộ nhiều thiết sót và không hoàn toàn phát huy tác dụng.
Sau sự tàn phá của lũ lụt năm 2019, chính quyền Italy đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ gia cố đê điều để đề phòng những trận lũ lớn sắp tới.
Đỗ An (Theo Daily Mail)