Du khách đã cảm nhận được vẻ đẹp quê hương, đất nước con người Quảng Bình qua những làn điệu dân ca truyền thống được biểu diễn bởi các nghệ nhân dân gian trong không gian hò khoan Lệ Thuỷ.
Điểm nhấn quan trọng của "Quảng Bình trong lòng Hà Nội" là khu vực nhà Bát Giác - nơi không gian văn hoá dân ca hò khoan Lệ Thuỷ được vang lên. Du khách đã cảm nhận được vẻ đẹp quê hương, đất nước con người Quảng Bình qua những làn điệu dân ca truyền thống được biểu diễn bởi các nghệ nhân dân gian. Mặc dù trời mưa nhưng rất nhiều du khách vẫn ngồi nghe tới hết chương trình.
Rất nhiều người đã ngồi dưới mưa để nghe hò khoan Lệ Thuỷ |
Một vài tiết mục hò khoan Lệ Thủy ở phố đi bộ Hồ Gươm
Hò khoan Lệ Thủy có nét độc đáo ở một vùng quê "Chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng". Nó diễn ra chủ yếu trong làm việc, hò theo nhịp chân tay, lúc đang nhổ mạ, lúa cấy, đập lúa, rũ rơm, xay thóc, giã gạo hoặc chèo thuyền trên sông, trong lúc đua thuyền hay trong những ngày lễ hội. Phổ biến nhất là giã gạo trên sân nhà, dưới ánh trăng. Hò khoan kích thích quên đi cái mệt nhọc vất vả, quên cái đói cồn cào trong bụng “Đau rên mát, đói hát hay”.
Nét độc đáo hò khoan Lệ Thủy là một mình hò cũng được, hai người càng hay, càng đông càng tốt; ai cũng làm diễn viên, ai cũng là khán giả. Nếu chỉ một mình thì vừa hò cái, vừa hò con. Hai người trở lên thì một người hò cái, nhiều người hò con thể hiện đủ mọi đề tài như: Hò thi nhau, hò trêu tức, hò đố. Hò cái trục trặc, hò con thay hò cái ngay. Hò nối hơi, nối sức, nối trí uyển chuyển linh hoạt. Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình sáng tác, vừa biểu diễn sáng tác khớp vào thời gian nhịp điệu, nó không có luật rõ nhưng với điều kiện phải đúng nhịp để ràng buộc.
Bên hò xướng lên một câu bất kỳ đề tài gì, càng hóc búa càng hay, bên kia phải hò đáp lại ngay nếu không nhanh trí thông minh lại thua, bị chê cười. Hò đối đáp như vậy làm cho mọi người cuốn hút, hấp dẫn tìm lời ứng xử nhanh.
Hò khoan Lệ Thủy là một thể loại dân gian độc đáo phản ánh mọi mặt của cuộc sống. Tình yêu trai gái, quan hệ vợ chồng, bàn bè...đến các hoạt động khác trong xã hội như: Hò chủ tớ, lính mộ, hò sản xuất, địch vận, hò thợ mộc, thợ nề, thợ may, nậu săm, lỉa trâu...Nó mang tính nhân đạo, tính chiến đấu, tính nhân văn và sự bình đẳng trong xã hội không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chủ tớ, tuổi tác, nghề nghiệp, quê quán...Nghèo mà hò hơn giàu, tớ mà hò hơn chủ càng được tôn trọng, được tán thưởng, thể hiện tính chân, thiện, mỹ trong cuộc sống con người đời thường.
Hò khoan Lệ Thủy diễn ra phong phú trong mọi lúc, mọi nơi trong những ngày lễ hội của làng, trong bơi đua thuyền truyền thống trên sông nên nhạc cụ cũng rất đơn giản. Hò ở sân đình, ở rạp thì có trống đại, trống chầu, người đi hò giao du có đôi sanh. Nơi đông người mà không có chuẩn bị trước thi đôi tay vỗ vào nhau nhịp nhàng tạo ra âm thanh hấp dẫn làm nền cho câu hò vừa hay, vừa nhộn làm cho người hò, người nghe thú vị sảng khoái.
Tiếng trống, tiếng sanh hoà với tiếng vỗ tay hoặc tiếng chày giã gạo tạo ra không khí hấp dẫn. Đặc biệt hò đấu trí, hò xấc leo, hò đuổi, hò công kích truy nhau như cuộc đua tài, đua sức. Càng hò, cao trào càng lên cao nhờ vào nhạc cụ trống đại, trống chầu, đội sanh và nhịp điệu vỗ tay rộn ràng không dứt nên hò khoan Lệ Thủy là một hình thức văn nghệ dân gian độc đáo thể hiện bản sắc văn hoá nơi nó sinh ra ở một vùng quê đậm đà, sâu sắc, ngôn ngữ địa phương mộc mạc, chân chất sản sinh từ trong cuộc sống đời thường.
T.Lê