- Tại Hà Nội, một số trường đã tính tới phương án đo chỉ số IQ, EQ hay tổ
chức ngày trải nghiệm để chọn học sinh vào lớp 6 thay cho phương án thi tuyển đã bị cấm.
Thông báo của Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam dừng mọi hoạt động để tập trung cho kỳ thi vào lớp 6 năm 2014. (Ảnh: Văn Chung). |
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) – bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho hay, trường sẽ tổ chức “Ngày trải nghiệm”. Trong đó, cho các em hoạt động nhóm, chơi trò chơi phát triển trí tuệ.
Theo phân tích của bà, hành vi, thái độ, năng lực của trẻ sẽ bộc lộ trong quá trình hoạt động nhóm, trò chơi trí tuệ. Những người làm công tác giáo dục, hiểu tâm lý học sinh chỉ cần nhìn ánh mắt có thể hiểu được trẻ. Ví dụ với trẻ tự kỷ, chỉ cần thông qua cách tô màu khi trẻ vẽ bức tranh có thể cho thấy trẻ vấn đề về tâm lý.
Về phần kiểm tra kiến thức, trường sẽ sử dụng phương án dùng bài đo chỉ số thông minh, năng lực và vượt khó (EQ, IQ). Để khách quan, công bằng và khoa học, trong phương án này, Trường THCS Nguyễn Siêu sẽ mời Viện Khoa học Giáo dục kết hợp thực hiện các bài đo này.
Lãnh đạo nhà trường cũng kết hợp việc phỏng vấn trực tiếp với học sinh ở môn tiếng Anh. Việc này sẽ do các chuyên gia nước ngoài đam nhiệm. Nhà trường chú trọng vào kỹ năng nghe và phản xạ tiếng Anh của trẻ.
Trong khi đó, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh đề xuất tuyển sinh riêng bằng khảo sát nhận thức thực tế của trẻ về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như: gia đình, xã hội, suy luận...
"Phương án của chúng tôi là cho các em làm bài kiểm tra trắc nghiệm trên giấy trong vòng 100 phút với 25-30 câu hỏi về tất cả lĩnh vực như kiểu thi "Ai là triệu phú". Tất nhiên, kiến thức sẽ đơn giản hơn, phù hợp với khả năng của học sinh lớp 5".
PGS Cương cho rằng với đề khảo sát của trường, những học sinh chỉ vùi đầu vào sách vở mà ít quan tâm đến cuộc sống thực tế sẽ khó hoàn thành tốt.
Ông Cương kỳ vọng cách làm này có thể chọn được
học sinh năng động, hiểu biết, có ý thức về gia đình, xã hội... “Nếu chọn được
đối tượng như thế, có khi lại hay hơn cách tổ chức thi kiến thức Văn, Toán như
mọi năm" – lời PGS Văn Như Cương.
Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã xây dựng
phương án tuyển sinh vào lớp 6 gửi Sở GD-ĐT Hà Nội. Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
chia sẻ: Hướng tuyển sinh của Trường Nguyễn Tất Thành là sử dụng đánh giá học
sinh thông qua EQ. Tuy nhiên, phương án vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện để gửi
Sở GD-ĐT Hà Nội.
Trường THCS Cầu Giấy: Dự kiến trước hết sẽ tuyển thẳng những HS đạt giải ba trở lên cấp thành phố; cấp quận các môn thi do ngành GD-ĐT tổ chức như: Olympic tiếng Anh, toán qua mạng internet, tiếng Anh qua mạng internet, Tin học trẻ. Đạt huy chương cá nhân cấp thành phố các môn thể thao, văn nghệ, mỹ thuật do ngành GD-ĐT tổ chức. Ngoài ra, phần lớn chỉ tiêu còn lại sẽ xét tuyển theo học bạ, trong đó có những tiêu chí như: điểm tổng kết năm học các năm ở tiểu học; điểm môn văn, toán; những nhận xét cụ thể của giáo viên. Quá trình xét học bạ sẽ ưu tiên những HS đoạt giải trong cuộc thi cấp trường; giải khuyến khích ở các cuộc thi cấp quận, cấp thành phố...
Trường Marie Curie đã được duyệt phương án tuyển sinh lớp 6 như sau: HS thực hiện 60 phút trắc nghiệm chỉ số trí tuệ (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ). Cấu trúc cụ thể: IQ: 60 câu/45 phút; EQ: 30 câu/15 phút. Ngoài ra, trường xem thêm kết quả học tập 3 năm cuối tiểu học để xét tuyển HS vào lớp 6.
Theo kế hoạch, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ nhận phương án tuyển sinh của các trường vào hạn chót là 14/4. Đến 16/4, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ chốt phương án tuyển sinh vào lớp 6 của tất cả các trường trên địa bàn Hà Nội.
Trả lời chương trình "Cuộc sống thường ngày" của VTV1, bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết: "Phương án tuyển sinh đề xuất của nhà trường không thi các môn văn hóa mà tập trung phát hiện năng lực của học sinh theo các dạng thông minh. Bài test không đo lường khối lượng kiến thức của học sinh tiểu học được nhận mà tập trung vào việc đánh giá năng lực trong quá trình sử dụng kiến thức, vận dụng kiến thức trong thực tế để biến thành năng lực của mỗi cá nhân. Bài test này đảm bảo đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của người học".
Văn Chung