- Tình trạng chặt chém, chen chúc mùa du lịch cứ “đến hẹn lại lên” khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng đi chơi mà như bị hành xác trong dịp nghỉ lễ.

Rộn ràng du lịch ba miền

30- 4, 1- 5 được coi là một trong những kì nghỉ lễ dài nhất trong năm. Dịp nghỉ lễ năm nay vô cùng sôi nổi với những sự kiện du lịch độc đáo, hấp dẫn khắp ba miền.

Ở miền Bắc, sự kiện Carnaval Hạ Long và Tuần Văn hóa du lịch Sapa là những sự kiện được chờ đón nhất.
20g ngày 1-5, carnaval Hạ Long 2011 được khai mạc với chủ đề "Khám phá Hạ Long lung linh sắc màu". Hàng vạn khách du lịch trong nước và quốc tế cùng nhảy múa tham gia lễ hội hóa trang đầy màu sắc dọc bờ vịnh Hạ Long dưới chân cầu Bãi Cháy.
Người tham dự sẽ diễu hành trên đường phố trong các khối diễn và theo các mô hình cụ thể như: mô hình Du lịch văn hoá tâm linh, Du lịch biển đảo, thương mại vùng biển, hội tụ những kỳ quan, Quảng Ninh chào đón...

Carnaval Hạ Long- sự kiện du lịch thu hút đông đảo du khách trên cả nước (Ảnh: La Hoàn)

Nằm trong “Tuần văn hóa - du lịch Sa Pa” năm 2011, sáng 30-4 tại khu du lịch Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai) “Lễ hội trên mây” đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú hấp dẫn.
Miền Trung cũng sôi nổi không kém với những hoạt động tưng bừng tại Thanh Hóa- Nghệ An- Huế- Đà Nẵng.
Với chủ đề “Sầm Sơn - nơi gặp gỡ những sắc màu văn hóa”, tuần văn hóa du lịch Sầm Sơn đã được mai mạc tối 28/4 tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Hàng chục nghìn du khách đã về tham dự sự kiện này.

Ngày 30.4, thị xã Cửa Lò, Nghệ An bước vào ngày hội sông nước. Đây không chỉ là lễ cầu yên mà còn kết hợp khai trương mùa hè du lịch của thị xã biển 2011. Du lịch Cửa Lò thu hút hàng triệu lượt khách hằng năm.
Tại TP Huế trong ngày 2-5, có hàng chục nghìn người dân và khách nội địa cũng dồn về các điểm trình diễn nghề ẩm thực tại Ngọ Môn và nghề cây cảnh ven sông Hương trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế đang diễn ra.
20g tối 30-4, Festival nghề truyền thống Huế 2011 đã khai mạc tại quảng trường Ngọ Môn (Đại nội Huế), hàng ngàn người dân Huế và du khách thập phương đã kéo về đón xem.

Một trong những sự kiện du lịch được chờ đợi nhất trong tháng tư là Cuộc thi bắn pháo hoa Quốc Tế Đà Nẵng chủ đề “Lung linh sông Hàn”- khai mạc 20h ngày 29/ 4. Hàng vạn người dân Đà Nẵng và du khách đã nườm nượp đổ về dòng sông Hàn tìm chỗ lý tưởng để thưởng thức sự lung linh, huyền ảo của nghệ thuật pháo hoa.
Ở phía Nam, du khách cũng đổ dồn về các điểm du lịch. Tại Bình Thuận, đến sáng 1.5, đã có khoảng 42.000 lượt du khách đến tham quan vui chơi trong dịp lễ tại Phan Thiết, Bình Thuận (trong đó 25% là khách quốc tế), tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước. 

Khu du lịch Núi Cấm- huyện Tinh Biên An Giang- nơi được mệnh dnah là Đà Lạt của miền Tây cũng thu hút nhiều đoàn du khách ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.

Đông nghịt và chặt chém

Dịp nghỉ lễ lớn đồng nghĩa với lượng du khách đông nghìn nghịt đổ về các điểm thăm quan. Tìm được một quán ăn ngon, một điểm dừng chân thoáng đãng, phục vụ tốt bỗng khó như… mò kim đáy biển.
Sân bay Đà Nẵng lúc 22h30 đêm 2/5 đông nghịt, một số chuyến bay bị delay. Nhiều người ở phía Bắc không thể mua vé máy bay, ô tô giường nằm lẫn tàu hoả để về nhà.
Cùng với sự sôi động của các sự kiện du lịch dịp nghỉ lễ Độc lập thì tình trạng chặt chém tại các khu du lịch cũng mặc sức tung hoành.

Tại Sapa (Lào Cai) sáng ngày 30/4, lượng khách đổ về thị trấn mỗi lúc 1 tăng cao, từng đoàn xe ô tô nối đuôi nhau gây tắc nghẽn cả con phố chính Cầu mây của thị trấn.
Giá của một phòng nghỉ "Double" ngày thường của một khách sạn tiêu chuẩn khoảng 350.000 - 400.000 đồng/phòng/đêm thì nay tăng lên đến 1 triệu đến 1,2 triệu đồng. 

Không những giá cả phòng nghỉ biến động như "biểu đồ hình sin" (hạ giá thấp xuống đến mức có thể hồi đầu tháng và giữa tháng 4 rồi sau đó bùng nổ ồ ạt tăng giá đến mức chóng mặt trong hai ngày 30/4; 1/5 này) mà giá cả các loại hình dịch vụ ăn uống, xe máy cho thuê, cũng được đà tăng theo lên khoảng 5-7%.

Theo khảo sát của PV VietNamNet, khách sạn và dịch vụ thuê tàu ra vịnh là hai đối tượng tăng giá chóng mặt nhất. Các khách sạn tại khu vực Bãi Cháy đã tăng giá phòng lên gấp 3-5 lần ngày thường. Trong khi ngày thường chỉ khoảng 250-400.000 đồng/phòng thì giờ đã tăng lên 1,2-1,8 triệu đồng/phòng. Giá tàu ra vịnh cũng ra sức chặt chém, tăng gấp 3-4 lần.

Nhiều du khách đi du lịch đã phải rùng mình khiếp sợ vì tình trạng chen chúc và bị "chém đẹp" tại các điểm tham quan (Ảnh: La Hoàn)
Một số du khách cảm thấy chóng mặt với sự biến đổi giá cả bất thường khi đi du lịch tại Sapa đã cho biết: "Chúng tôi đi du lịch là để thăm quan, nghỉ dưỡng chứ không nghĩ rằng đi du lịch là để… "rửa tiền" như thế”.

Ở Phan Thiết, trên các con đường chính vào các khu du lịch, đoạn cửa ngõ phía nam thành phố (thuộc xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) cho đến tận cuối đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Thiết) cửa hàng bán nước mắm và mực một nắng nhiều vô kể. Không ít cửa hàng làm ăn bát nháo bắt tay với tài xế đưa khách vào "tròng". Có du khách phản ánh, hai vợ chồng anh đến quán ăn trên đường Hoàng Hoa Thám gọi 2 con cua, khi tính tiền hóa đơn giá hơn 1 triệu đồng. Khi anh  thắc mắc thì nhà hàng giải thích cua vợ chồng anh ăn là cua huỳnh đế...

Nhiều du khách chưa hết kì nghỉ đã phải hãi hùng than thở cho chuyến đi đau khổ của mình vì bị chặt chém, nhồi nhét, bán khách.
Thành viên Nquang_dn trên diễn đàn Webtretho bức xúc chia sẻ về chuyến đi Hạ Long: “Bức xúc, mệt nhọc, ức chế làm cho chuyến đi rất nặng nề vì bị công ty du lịch “lật mặt”.

Bị ám ảnh bởi nạn chặt chém mùa du lịch, một thành viên khác trên diễn đàn đã phải ngao ngán thốt lên: “Sợ lắm đi du lịch vào những ngày cao điểm ,giá phòng vừa cao, ăn không ngon đắt đỏ lại còn bực mình vì cách phục vụ nữa!”
Tình trạng chặt chém mùa du lịch “đến hẹn lại lên” khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng đi chơi mà như bị hành xác trong những dịp nghỉ lễ như thế này.

  • Quỳnh Anh