Hướng đi mang lại doanh thu kép

Trước đây, người nông dân vốn chỉ quen với việc làm sao để cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt. Hiện nay, nhiều nông dân đã thành chủ của mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch canh nông. 

Hướng đi này mang lại doanh thu kép cho người nông dân bởi tiềm năng từ thác du lịch kết hợp bán nông sản. Du lịch canh nông đang là một xu hướng phát triển khá mạnh mẽ hiện nay. 

Nghệ An được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế ở lĩnh vực này với những đồi chè, hồ nước, trang trại cùng vườn cây trĩu quả, những cánh đồng hoa hấp dẫn...

Một trong những mô hình được coi “đi tiên phong” là trang trại rau sạch và cánh đồng hoa hướng dương của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn. Mô hình này trở thành nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn thu hút khách du lịch từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và cả du khách nước ngoài.

Du khách thích thú khi được tận tay hái những quả hồng ở vườn hồng Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Quốc Đàn.

Theo đó, mới đầu, đơn vị trồng hướng dương để giúp bò cho nhiều sữa và tạo hương vị, thế nhưng hiệu quả bất ngờ khi nó thu hút đông đảo du khách. Đến nay, dịch vụ du lịch từ cánh đồng hoa cũng đã thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, kéo theo nhiều dịch vụ, tạo việc làm, thu nhập. Đặc biệt, điều này cũng tạo cơ hội tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương như ổi, táo, cam của nông dân trên địa bàn.

Ngoài ra, đảo chè Thanh Chương cũng là mô hình du lịch canh nông hiệu quả trong những năm gần đây. Trước đây, bà con trồng chè quanh khu vực hồ nước chỉ thu hoạch búp tươi với năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha.

Nhưng nay, bên cạnh nguồn thu từ sản phẩm chè, bà con còn có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch khi rất nhiều du khách tìm đến tham quan đảo chè. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư, hùn vốn mở bến, mua thuyền phục vụ khách du lịch tham quan đảo chè kết hợp các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi.

Tương tự, thay vì thu hoạch hồng quả để bán, có những vườn hồng trên địa bàn xã Nam Anh, huyện Nam Đàn nay chuyển hướng khai thác phục vụ du lịch. Theo thống kê, toàn xã Nam Anh có khoảng 300 hộ trồng hồng, với diện tích khoảng 150 ha, nhiều nhất trên địa bàn huyện Nam Đàn, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 500 tấn. 

Bên cạnh việc thu hoạch quả để bán ra thị trường còn có những vườn hồng hàng chục năm tuổi được giữ lại quả, khai thác thành điểm check - in phục vụ du khách, thu hút người dân đến tham quan.

Ngoài những điểm trên, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch canh nông hoạt động khá hiệu quả như vườn cam sinh thái bản Pha (Con Cuông), vườn cam Kỳ Yến (Quỳ Hợp), vườn hoa tam giác mạch Nghĩa Đàn…

Những thách thức của mô hình du lịch canh nông

Quá trình phát triển du lịch canh nông ở Nghệ An hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế rất cần được khắc phục. Đó là việc kết hợp phát triển các hoạt động du lịch gắn kết với nông nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương.

Bên cạnh đó, còn nhiều điểm du lịch canh nông chưa có điều kiện đầu tư đồng bộ, đúng nghĩa một điểm du lịch canh nông, đặc biệt là kết cấu hạ tầng hỗ trợ du khách trong phạm vi điểm du lịch; dịch vụ truyền thông, kết nối tour tuyến phạm vi quốc gia và quốc tế chưa phát triển đúng mức.

Để du lịch canh nông trở thành sản phẩm du lịch mới có tính cạnh tranh cao, có hiệu quả lớn, tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. 

Đó là đa dạng và nâng cao chất lượng các dịch vụ của điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; xác định thị trường trọng điểm khách du lịch; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện… 

Ngành du lịch Nghệ An đã và đang thu hút vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công tác quản lý, tìm kiếm thị trường…

Cùng với đó, Nghệ An cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, định hướng một cách khoa học các vùng, các địa phương, các trang trại, các sản phẩm nông nghiệp có thể tham gia loại hình du lịch canh nông. 

Tổ chức rà soát và thống kê cụ thể về xây dựng mô hình thí điểm du lịch canh nông để đánh giá thực tiễn, trên cơ sở đó mở rộng nhiều loại hình du lịch canh nông. Tỉnh cũng nên rà soát, xem xét tính liên kết vùng, từ đó giới thiệu sản phẩm mới, kết nối tour, tuyến với các công ty lữ hành thu hút khách du lịch canh nông. 

Bên cạnh đó, tỉnh cần hoàn chỉnh chính sách tín dụng, chính sách đất đai, thu hút đầu tư, chính sách thuế ưu đãi, ban hành bộ tiêu chí về du lịch canh nông; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu... nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh nền nông nghiệp.

Thảo Trang