Năm 2021 và đầu năm 2022, du lịch Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng hẩu như bị đình trệ mọi hoạt động do dịch Covid-19 khiến ngành gặp nhiều tổn thất nghiêm trọng. 

Đến nay, khi tình hình dịch đã được kiểm soát, một trong những giải pháp giúp ngành du lịch phục hồi phải kể đến việc chuyển đổi số. 

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trên cơ sở Chương trình hành động số 84-Ctr/TU ngày 31/12/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 16/5/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh phúc đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngành du lịch Vĩnh Phúc hòa mình với công cuộc chuyển đổi số quốc gia. 

Giai đoạn 2020 – 2025, để du lịch cất cách, cùng với ban hành các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển thị trường, sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, các di tích, danh thắng và du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch thể thao golf, du lịch hội nghị - hội thảo; thu hút khách đến với các khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng Flamingo Đại Lải, Tam Đảo, Tây Thiên. 

Du lịch số hay chuyển đổi số ngành du lịch là phát triển du lịch một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số để tạo ra và cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch và làm du khách hài lòng.

Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh, ngành du lịch Vĩnh Phúc chủ động chuyển đổi số, tiếp cận và tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy lợi ích của công nghệ số. 

Trước đây, cách quảng bá du lịch thông qua báo chí, tờ rơi hay tham gia các chương trình xúc tiến... phần nào đáp ứng được nhu cầu tham khảo điểm đến. Thế nhưng hiện nay, đòi hỏi của du khách ngày càng cao hơn. 

Do vậy, tỉnh đặt ra yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực marketing du lịch. Hệ thống thông tin quảng bá du lịch được tăng cường bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung thông tin quảng bá đa dạng. Bên cạnh các kênh quảng bá truyền thống, việc ứng dụng các kênh truyền thông có tính lan tỏa cao trên mạng xã hội như: Facebook; Youtube... 

Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang xây dựng, phát triển du lịch thông minh tập trung vào các khía cạnh: Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, cung cấp thông tin dịch vụ du lịch thông qua các nền tảng công nghệ thông tin, truyền thông và trải nghiệm các tiện ích thông minh đối với du khách. 

Hiện website: dulichvinhphuc.gov.vn đã cập nhật đầy đủ các điểm đến du lịch, các khách sạn, nhà hàng, các địa điểm vui chơi, mua sắm; các tin tức, sự kiện về du lịch... Du khách khi có nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng tại Vĩnh Phúc chỉ cần click vào trang web là có thể nắm bắt được tổng quan về du lịch Vĩnh Phúc cũng như các dịch vụ, điểm đến, các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

Đoàn FamTrip phát triển sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc năm 2022. 

Ngoài ra, trang web còn cung cấp thông tin, phản ánh các hoạt động văn hóa: Phong tục tập quán, các di sản vật thể và phi vật thể, các lễ hội truyền thống trong tỉnh được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao. 

Các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh qua website, qua Cổng thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Vĩnh Phúc, qua Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo, Email... các bản đồ du lịch điện tử, chức năng đặt chỗ trực tuyến, booking online, tư vấn, chăm sóc khách hàng và thanh toán trực tuyến. Thậm chí có thể tạo ra sự tương tác trực tiếp của khách du lịch như góp ý, phản ánh, bình luận về chất lượng, giá cả dịch vụ…

Tỉnh cũng dự kiến triển khai xây dựng phần mềm du lịch thông minh để nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, quảng bá hình ảnh du lịch cho các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh và du khách. 

Hình thức tiếp thị mới này sẽ mang đến nhiều giá trị hơn qua việc tương tác với người tiêu dùng nhanh chóng và nắm bắt được thị hiếu của họ dễ dàng hơn. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, dù ở bất cứ đâu trên thế giới, du khách truy cập vào phần mềm cũng có thể tìm hiểu về du lịch Vĩnh Phúc. Từ các điểm đến, sản phẩm du lịch, thông tin về giá cả, cách thức di chuyển... Du khách tiếp cận với các sản phẩm du lịch được số hóa và trải nghiệm mang tính gợi mở về các sản phẩm đó. 

Những các cơ sở lưu trú, khách sạn, homestay, nhất là tại Khu du lịch Tam Đảo thì nhờ ứng dụng công nghệ số, các doanh nghiệp đã mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng cũng như năng suất lao động các bộ phận, tăng doanh thu và lợi nhuận. 

Du khách ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần dùng điện thoại hay máy tính truy cập vào trang web là có thể nắm được giá dịch vụ, các chương trình khuyến mại, đặt phòng, thanh toán trả phòng trực tuyến... tránh tiếp xúc gần, giảm các nguy cơ dịch bệnh.

Một số đơn vị hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch có sự dịch chuyển từ mô hình kinh doanh du lịch truyền thống sang mô hình kinh doanh du lịch hiện đại theo chuỗi mô hình ứng dụng công nghệ số. Trong đó, việc quét mã QR để khai báo y tế đã được triển khai đồng bộ, người dân và du khách thực hiện nghiêm túc. Đến nay, tất cả các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đều đã có mã QR, đều lắp đặt camera an ninh, bảo đảm an toàn cho du khách cũng như thuận tiện trong việc quản lý.

Quỳnh Nga