Dự luật của Trung Quốc thay đổi bản chất livestream
(Ảnh: EPA-EFE)

Đây là một phần trong nỗ lực siết hoạt động quản lý, đánh giá và làm sạch nội dung trên môi trường web tại Trung Quốc. Cụ thể, dự thảo của Bộ Văn hóa và Du lịch quy định việc phát trực tiếp (livestream) các chương trình trực tuyến như hòa nhạc sẽ được tiến hành theo chế độ “trì hoãn”. Việc trì hoãn giúp nhân viên của các nền tảng Internet thực hiện công tác giám sát và chặn đứng những nội dung có vấn đề theo thời gian thực. Bộ đang lấy ý kiến phản hồi của công chúng cho đến ngày 10/10.

Theo dự thảo, các nền tảng Internet phải xin phê duyệt trước trong những sự kiện có người nước ngoài tham gia biểu diễn tại chương trình trực tuyến. Các chương trình tổ chức hoặc ghi hình bên ngoài Trung Quốc cũng phải xin phép trước khi livestream.

Tuy nhiên, theo SCMP, dự thảo không nêu cụ thể các thể loại biểu diễn phải kiểm duyệt.

Sáng kiến mới nhất của Bộ Văn hóa và Du lịch phản ánh quyền hạn mở rộng của Bộ đối với “quản lý nguồn gốc của nội dung biểu diễn Internet”, có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay. Bộ này là một trong số vài cơ quan chính phủ Trung Quốc có nhiệm vụ quản lý một số lĩnh vực Internet khi ngày càng nhiều hoạt động giải trí được đưa lên mạng. Các cơ quan khác bao gồm Cục Không gian mạng (CAC), Cục Phát thanh Truyền hình quốc gia (NRTA).

Vào tháng 6, NRTA và Bộ Văn hóa & Du lịch cùng nhau đưa ra hướng dẫn, bao gồm 18 điểm, yêu cầu các nhân vật có ảnh hưởng trên Internet (KOL) phải có bằng cấp mới được bàn về chủ đề cụ thể. Quy định mới cũng liệt kê 31 hành vi bị cấm trong các phiên livestream. Đầu năm nay, CAC kêu gọi các đơn vị vận hành nền tảng Internet thành lập những nhóm đánh giá nội dung và tăng cường đào tạo cho họ.

Nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục xây dựng hệ thống kiểm soát thông tin mạnh mẽ, bảo vệ các chính sách của Bắc Kinh. Nó bao gồm “Great Firewall” chặn dữ liệu và các nguồn lực kỹ thuật số từ nước ngoài, một đội ngũ kiểm duyệt nội dung Internet hùng hậu và trừng phạt mạnh tay đối với doanh nghiệp, cá nhân vi phạm quy định nội dung.

Nếu được thông qua, dự thảo của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phương thức truyền phát các buổi hòa nhạc trực tuyến của những nền tảng lớn như Douyin, Kuaishou, WeChat. Các lễ hội âm nhạc trực tuyến thu hút lượng lớn khán giả theo dõi. Chẳng hạn, buổi biểu diễn gần đây nhất của ngôi sao Andy Lau Tak-wah trên Douyin đạt kỷ lục 350 triệu người xem.

Tháng 7, hội thảo công nghệ thường niên của Baidu bị cắt giữa chừng gần nửa tiếng đồng hồ trên WeChat Channels do không đăng ký trước với nhà chức trách. Trong cùng tháng, nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ video Bilibili thề triệt phá hoạt động của các streamer tìm cách tăng traffic bằng “nội dung độc hại, thách thức đạo đức và trật tự công cộng”.

Du Lam (Theo SCMP)