- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay mức dự trữ ngoại hối nhà nước hiện đạt mức cao - trên 35 tỉ USD - giúp duy trì ổn định kinh tế, tạo vị thế và tiềm năng đối ngoại của đồng Việt Nam.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 28/4, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói, hiện nay áp lực với ngân hàng không còn nhiều, kinh tế vĩ mô và tiền tệ sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay.

Mặt bằng lãi suất ổn định, từ đầu năm đến nay đã giảm từ 0,5 - 2%, phấn đấu cả năm giảm được 1,5 - 2% lãi suất đối với tất cả các kỳ hạn. Trong khi đó, tỉ giá 5 tháng của 2014 cho thấy xu hướng ổn định và nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ ở mức 1%, thay như mức biên độ dự kiến của năm là 2%.

{keywords}
Thống đốc Nguyễn Văn Bình (phải) trao đổi với DN bên lề hội nghị. Ảnh: LT

Ông nhấn mạnh thanh khoản của ngân hàng đang rất tốt, đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế và đủ dự trữ vốn để phòng bất kể lúc nào mà cầu của nền kinh tế khởi sắc thì có thể đưa ra ngay mà không ảnh hưởng đến lạm phát. Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối hiện đạt mức cao - trên 35 tỉ USD - giúp duy trì ổn định kinh tế, tạo vị thế và triềm năng đối ngoại của đồng Việt Nam.

Đại diện cộng đồng DN vừa và nhỏ cho rằng lãi suất vẫn cao hơn so với khả năng của DN và chất vấn Chính phủ liệu lãi suất có thể còn giảm tiếp trong thời gian tới. 

Trả lời thắc mắc, Thống đốc nói, trong tổng dư nợ của nền kinh tế thì dư nợ đối với DN vừa và nhỏ chiếm xấp xỉ 60%. Điều này cũng đồng nghĩa khó khăn trong hoạt động của khối DN này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức tín dụng. Do đó việc các ngân hàng thương mại vẫn thận trọng cho vay với DN vừa và nhỏ là một thực tế.

Ông thừa nhận việc cho vay đối với khối DN này vẫn chứa đựng nhiều rủi ro với các ngân hàng, nếu không đảm bảo chất lượng tín dụng thì nợ xấu có nguy cơ tăng lên. Trong khi đó Nhà nước đang nỗ lực chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn nợ xấu gia tăng. Các ngân hàng thương mại phải hoạt động trên nguyên tắc thị trường nên để hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ phải có các cơ chế khác.

"Mong các DN chia sẻ" - ông nói

Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh giảm lãi suất hơn nữa phụ thuộc vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

"Vốn của hệ thống ngân hàng là vốn vay của nền kinh tế, vay của dân. Nếu giảm nữa thì liệu dân có gửi tiền vào ngân hàng nữa nay không? Nếu như vậy thì dân sẽ đầu tư vào những lĩnh vực không khuyến khích như đô la, ngoại tệ, vàng.

Do vậy phải cân đối hết sức kỹ lưỡng để đảm bảo được giá trị tiền đồng, nguồn vốn, thanh khoản của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng nói riêng. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao diễn biến của nền kinh tế, cứ 10 - 15 ngày là phân tích lại, để xem có thể sẽ giảm lãi suất không. 

Song việc giảm lãi suất phải bền vững, tránh giật cục, nay lên mai xuống. Phải thật sự ổn định. Có vậy, niềm tin của dân, của DN vào cơ chế chính sách mới tăng lên" - ông Bình nói.

Liên quan lãi suất của các khoản vay cũ, Thống đốc Bình cho biết, lãi suất cho vay trên 13% của toàn hệ thống hiện chỉ chiếm 16% tổng dư nợ. Trong khi tại thời điểm 15/7/2012, 70% dư nợ có lãi suất trên 15%. Các khoản vay có lãi suất trên 15% chỉ còn 5% tổng dư nợ. Điều đó cho thấy bức tranh về cơ cấu lãi suất đã có sự thay đổi lớn.

Cơ cấu các khoản vay trên 13% chủ yếu là trong các lĩnh vực như vay tiêu dùng vì theo thông lệ quốc tế cũng như mức độ rủi ro thì các tổ chức tín dụng áp lãi suất cao là hợp lý. Việc này giúp nền kinh tế tránh được cho vay nặng lãi.

Lĩnh vực thứ hai đang chịu lãi suất trên 13% là bất động sản, trong đó chia làm 2 dạng, một là dự án hiệu quả, họ sẵn sàng vay 14 - 15% vì lợi nhuận của họ cao hơn nhiều, chỉ mong có vốn.

Ông cũng cho hay, có những loại doanh nghiệp bất động sản gần như “chết rồi”, không ai cơ cấu lại nữa, nên các ngân hàng cứ để đó. Một số nợ quá hạn buộc các ngân hàng áp lãi suất phạt (150%). Nhưng thực tế, nhiều ngân hàng cho biết, với những DN khó có khả năng tồn tại thì chỉ mong thu được vốn gốc và lãi suất thực thì sẽ không thu lãi phạt.

Linh Thư