Danh mục dự trữ quốc gia liệu có nên bao gồm vàng và ngoại tệ là một trong những nội dung thảo luận của ĐBQH xoay quanh dự thảo luật Dự trữ quốc gia chiều 24/10.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đưa ra ý kiến trên khi đề nghị Quốc hội lưu ý xem xét có nên đưa ngoại tệ và vàng vào dự trữ quốc gia hay không. Theo đại biểu, thực tế hiện nay nhiều nước trên thế giới đều dự trữ vàng và ngoại tệ để phòng cho những vấn đề đột xuất của nhà nước.
Ông cũng đề nghị bổ sung thêm vào danh mục dự trữ dầu hỏa vì đây là một mặt hàng rất cần thiết khi có tình trạng thiên tai và bão lũ khẩn cấp xảy ra, đặc biệt liên quan đến vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, phục vụ cho dân sinh.
Ảnh: Minh Thăng
Về danh mục dự trữ quốc gia, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, trong 11 chủng loại hàng hóa được quy định ở dự thảo luật, chỉ có 3 chủng loại được quy định cụ thể, như thóc, gạo, muối ăn, xăng, dầu thô... 8 chủng loại còn lại thì quy định theo nhóm. Điều này dễ dẫn đến cách hiểu chung chung, phạm vi rộng và có thể gây lãng phí, không phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia.
ĐB Trần Văn Huynh (Kiên Giang) thì cho rằng trong điều kiện hiện nay nền kinh tế của nước ta còn chưa phát triển, cân đối ngân sách nhà nước đứng trước nhiều khó khăn khi nguồn thu hạn hẹp, nhưng nhu cầu chi ngày càng lớn, chưa thể dành nguồn lực lớn cho dự trữ quốc gia. Việc đưa ra mục tiêu rộng sẽ làm loãng đi những nhiệm vụ trọng tâm của dự trữ quốc gia.
Vì vậy, ông nhất trí chỉ nên sử dụng dự trữ quốc gia để giải quyết những vấn đề cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai hỏa hoạn, dịch bệnh phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước như quy định trong dự thảo luật trình Quốc hội lần này.
ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề cập quy định về mua bán hàng dự trữ quốc gia. Theo đó, dự thảo luật quy định về chi phí xuất, nhập, bán hàng dự trữ quốc gia với quy định giá bán theo giá tối thiểu, tối cao của Bộ trưởng Tài chính quy định và những người có thẩm quyền, thủ trưởng các cơ quan bộ, ngành quyết định giá.
Nhưng theo ông, hiện nay thực tế ở dưới cơ sở khi thực hiện việc này rất vướng, bởi vì hàng khi bán, khi mua đều phải đấu giá, đấu giá xong chờ giá trên kia về dưới đó là trượt rất xa nên không linh hoạt. Đại biểu đề nghị nên quy định phù hợp, có thể lấy giá của địa phương, giao cho địa phương về giá, nếu như giao được cho chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sẽ rất nhanh và sẽ không bị lỡ thời cơ.
Lý giải thêm, ông cho hay hiện nay đang sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất, nhập, khi nhập, hàng lương thực mua từ trong miền Nam vận chuyển ra miền Bắc, rồi lưu kho ở miền Bắc và khi có vấn đề lại vận chuyển ngược lại miền Trung, miền Nam. Điều này sẽ gây ra sự lãng phí.
"Mỗi lần như vậy chúng ta tiêu tốn không ít tiền mà rất phức tạp, cho nên chúng tôi đề nghị trong này chúng ta chưa thể hiện, nhưng phải quy định như thế nào đó để hàng của chúng ta mua về dự trữ phải phù hợp với các vùng, miền, tức là giao nhiệm vụ cho các cơ sở dự trữ quốc gia thế nào cho hợp lý, chứ không thể hàng từ miền Nam chuyển qua đường biển ra Hải Phòng, về Thái Bình, sau đó chúng ta lại chuyển Thái Bình vào trong miền Nam thì không ổn" - ông phát biểu.
ĐB Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) cho rằng để đảm bảo dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước thì vấn đề đầu tiên là xác định tổng mức dự trữ quốc gia, việc tăng dần tổng mức dự trữ quốc gia hàng năm là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về quy định tổng mức dự trữ quốc gia bằng một tỷ lệ nhất định so với GDP.
Linh Thư