Ngày 17/10, tại thành phố Huế, Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) tổ chức Lễ trao bằng và bàn giao 27 bác sĩ chuyên khoa I, Khóa 6 thuộc Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 

{keywords}
Đây là khóa đầu tiên mà Dự án đào tạo các bác sĩ cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Với 6 khóa bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp, dự án đã bàn giao 104 bác sĩ cho 48 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Trong 27 bác sĩ trẻ Khóa 6 được bàn giao đợt này có 21 bác sĩ là người Ba Na, Hre, Jrai, Pa Cô, Sách, Vân Kiều... Các bác sĩ được đào tạo thuộc 8 chuyên ngành gồm: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Ngoại, Nhi, Nội, Phụ sản và Y học cổ truyền.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn" là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa bàn còn khó khăn.

Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế việc chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực, trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” được Bộ Y tế quyết định triển khai thực hiện vào tháng 2 năm 2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên. Hiện tại dự án đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa I cho 354 bác sĩ thuộc 11 chuyên ngành (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Răng hàm mặt và Y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng. Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 03 năm (đối với nam) và 02 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. 

Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại Bệnh viện/TTYT huyện nghèo.

Báo cáo của các Sở Y tế có huyện nghèo cho thấy, nhu cầu bác sĩ tại 62 huyện nghèo là khoảng 598 người thuộc 15 chuyên khoa. Trong đó 07 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là Khoa Nội: 53; Khoa Ngoại: 49; Khoa Sản: 55; Khoa Nhi: 44; Khoa Hồi sức cấp cứu: 47; Khoa Truyền nhiễm: 35 và Khoa Chẩn đoán hình ảnh là 33. Như vậy đến nay số bác sĩ còn thiếu của 7 chuyên khoa này là 316 bác sĩ nữa.

Tình nguyện đi công tác ở các vùng khó khăn, các bác sĩ sẽ được hưởng các chế độ đối với cán bộ Y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng khó khăn theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP, Nghị định 64/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ này đã được Bộ Y tế xây dựng mới, thẩm định và phê duyệt, tạo chú trọng đến thực hành tay nghề chiếm 70% đơn vị học trình. Các bác sĩ sẽ được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, bên cạnh đó trường còn  giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 01 học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện. Trong thời gian đào tạo các bác sĩ được hỗ trợ tiền học phí, hưởng lương theo quy định và các chế độ khác của dự án.

Bài: Hà Ngọc Dũng - Nhóm PV
Ảnh: Vũ Tuấn Anh - Nhóm PV