Sulphur, hydrogen peroxide, sodium sulfite và chất ngăn nấm mốc thường được sử dụng để làm loại đũa sử dụng một lần, dù điều đó là trái phép.

Hôm 18/3, nam diễn viên Trung Quốc Huang Bo đăng một bài viết lên blog cá nhân về loại đũa chứa chất độc hại. Huang cho biết, khi ông cố gắng rửa đôi đũa dùng một lần của mình tại một nhà hàng, ông đã rất ngạc nhiên khi thấy đôi đũa chuyển màu vàng và bốc mùi khá hăng.

"Ngừng sử dụng đũa (loại dùng một lần), đó không phải vấn đề bảo vệ môi trường, mà chính là cách cứu lấy cuộc sống của riêng bạn", ông Huang chia sẻ trên blog của mình.

Thông điệp này đã được chia sẻ 125.000 lượt bởi dân cư mạng. Các thành viên vô cùng phẫn nỗ trước sự việc trên và yêu cầu ông Huang tiết lộ tên của nhà hàng. Tuy nhiên, Huang cho biết, loại đũa chứa chất độc hại không chỉ được cung cấp trong một nhà hàng, mà nó được phân phối rộng rãi trên thị trường.

Công nhân tại một nhà máy sản xuất đũa đang đánh bóng những đôi đũa dùng một lần bằng sáp parafin độc hại tại Liễu Châu, khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc.


Dong Jinshi, tổng thư ký của Hiệp hội Bao bì thực phẩm quốc tế, cho biết, màu sắc và mùi vị của đôi đũa có thể chỉ ra chúng đã được tiếp xúc với lưu huỳnh và các chất hóa học khác.

"Sulphur, hydrogen peroxide, sodium sulfite và chất ngăn nấm mốc thường được sử dụng để làm loại đũa sử dụng một lần, dù điều đó là trái phép", ông Dong cho biết.

Trung Quốc ban hành một tiêu chuẩn quốc gia về đũa (loại dùng một lần) vào năm 2010. Quy định gồm các tiêu chí cụ thể về các tác nhân hóa học bổ sung và lượng chất được phép dùng để sản xuất đũa.

"Chẳng hạn như tiêu chuẩn chỉ cho phép dùng loại lưu huỳnh không độc hại (được cấp riêng dùng cho thực phẩm) để sản xuất đũa tre; và dư lượng sulfur dioxide nên được kiểm soát dưới 600 mg trong một kg đũa. Tuy nhiên, lưu huỳnh không được phép sử dụng làm đũa gỗ”, Dong cho biết.

Mặc dù vậy, tiêu chuẩn dành cho việc sản xuất đũa vẫn chưa bao giờ được thực hiện triệt để, ông Dong cho hay. "Thậm chí Trung Quốc còn chẳng có một cơ quan quản lý cụ thể nào chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng đũa”, ông nói.

Theo ông Dong, hầu hết các đôi đũa được làm trong các xưởng nhỏ ở miền núi, nơi mà các công ty không cần cấp giấy phép sản xuất. Các đôi đũa, sau đó, được vận chuyển đến các thành phố lớn để đóng gói và bán tràn lan trên thị trường.

Năm 2010, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng sản xuất đũa hỗn loạn. Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này đã ban hành thông báo yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường điều tra chất lượng đũa.

Tuy nhiên, kết quả điều tra lúc đó không được đăng lên các trang mạng của chính quyền, chất lượng đũa vẫn chưa được xác minh chính xác.

"Các tiêu chuẩn về đũa chỉ là mặt lý thuyết. Nó chưa bao giờ được áp dụng trong thực tế", ông Dong đã nói.

Fan Zhihong, một chuyên gia an toàn thực phẩm tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết, việc đánh giá những rủi ro từ việc sử dụng đũa (loại dùng một lần) vẫn còn rất khó khăn.

"Không có dữ liệu nào cho thấy dư lượng hóa chất hay số lượng các hóa chất trong những đôi đũa có thể được chuyển hóa sang người sử dụng. Mặt khác, cũng chưa cá nhân nào báo cáo về việc bị đầu độc bởi đũa, vì vậy, rất khó để xác định ảnh hưởng của những đôi đũa rẻ tiền đối với sức khỏe của con người”, Fan nói.

(Theo KT)